TÌM LONG MẠCH Ở VÙNG ĐỒNG BẰNG
TÌM LONG MẠCH Ở VÙNG ĐỒNG BẰNG
***
Long mạch vùng đồng bằng khác với miền núi cao vì tính chất của sơn và thủy khác nhau. Sơn thủy ở miền núi dễ thấy, dễ phân biệt, sơn thủy ở đồng bằng khó thấy và khó phân biệt, nên long mạch không thể hiện rõ chỗ gốc tích xuất phát vì long mạch đi ngầm trong lòng đất. Long mạch ở đồng bằng có chỗ thì đi xuyên qua đồng ruộng, chuyển từ gốc ruộng này qua gốc ruộng khác. Người xưa nói rằng long mạch ở đồng bằng thì không cần phải tìm tông tích, mà chỉ cần xem chỗ có nước hội tụ, chỗ nước vây bọc xung quanh mà định long mạch; tức là dùng giới thủy (nước tụ hội) để tìm long mạch.
- Vùng đồng bằng phải lấy nước làm thầy và phải xem nước từ phương nào chảy tới và chảy đi đến phương nào, hình thế dòng chảy thẳng hay uốn lượn, chỗ nào là chỗ giao hội của hai dòng nước, chỗ nào dòng chảy phân nhánh. Những chỗ có nước tụ lại thành ao, đầm, những chỗ có dòng chảy uốn lượn hay phân nhánh thì đó là vùng đất có khí mạch thịnh vượng và có những vị trí kết tụ của long mạch. Những vùng đất như vậy là có thế đất: “mạch chỉ - thủy giao” tức là khí mạch có chỗ dừng (chỉ) và có chỗ tụ hội (giao). Mạch chỉ, thủy giao là thế đất sinh người tài, giàu có và sống lâu, hiền đức, thường thì sinh người hào kiệt tuấn tú.
- Vùng đồng bằng hễ thấy những thửa ruộng hoặc dải đất nổi lên hơn hai bên, hoặc dải đất nổi lên cao chạy dài uốn lượn như hình con rắn đang bò thì chỗ đó có long mạch thịnh vượng, sách xưa gọi thế đất đó là “hoạt xà” hay "hoạt long”, tức là khí mạch đang hoạt động mạnh và sẽ để lại các vết tích tụ hội trên mặt đất.
Thế đất hoạt xà mà dài, rộng, lớn, bốn bề uốn lượn quanh co thì đó là vùng đất đại địa và có quý mạch để sinh ra người tài. Ngược lại nếu dải đất trên, hoặc các dòng sông suối, lạch nước mà chạy dài thẳng tuột, nằm duỗi ra như con giun chết thì đó là vùng đất xấu, đất không có khí mạch, đất hung hãn và thường sinh ra người làm đạo tặc.
- Vùng đồng bằng mà nổi lên những gò cao, đống cao, đất nhô lên nhỏ to khác nhau nhưng quần tụ lại với nhau và tạo thành các tinh phong có đỉnh nhọn, bằng, tròn tại các phương Tây Bắc - Đông Nam - Tây Nam - Đông Bắc thì tại các phương đó có long mạch tụ hội và là những vùng đất quý hiếm, đất sinh người tài năng về văn học, nghệ thuật thường phát về quan văn hay các văn sỹ. Sách xưa gọi là thế đất “thế thế liên khoa mục”. Đất này đời đời kế tiếp nhau để sinh người đậu đạt cao về khoa bảng.
Thế đất đột khởi lên cao ở vùng đồng bằng nếu có thêm ao, hồ, sông, lạch nước uốn lượn ôm vòng đi theo thì đó là vùng đất đại cát, sinh người tài năng hoặc rất giàu có, sống lâu và rất phúc hậu.
- Vùng đồng bằng có một hoặc hai con sông từ xa chảy vào mà hình thể của nó uốn lượn khuất khúc và hội tụ lại với nhau, sau đó mới chảy đi thì đó là miền đất đại phú quý; sách địa lý xưa nói đó là đất “đại đại mãn khố sương - hệ thị đường trung trừ tú mỹ", nghĩa là đất sẽ sinh ra nhà tỷ phú (phú gia địch quốc); dân sống ở vùng đất này thì phong phú về vật chất.
- Vùng đồng bằng mà không có sông, rạch, ao hồ hoặc đồng ruộng thường khô hạn, hay trùng nước mà đất thì luôn ẩm ướt, giẫm chân lên mà thấy nước trong đất trào ra, xung quanh không thấy có nước chảy thì đó là miền đất khí mạch bị tiêu tán khắp nơi vì nội khí bị suy. Đó là vùng đất hung hiểm và sinh người bệnh tật triền miên và thường yểu thọ.
- Vùng đất bằng phẳng, rộng lớn nhưng không nổi lên gò cao, không có chỗ cao thấp, không có thủy nhập hay xuất thì khí mạch tản mạn và bạc nhược. Đất này thường sinh người nghèo hèn, tư chất kém cỏi vì không có sinh khí trợ giúp.
- Vùng đồng bằng mà có núi, đổi đột khởi lên cao, có sông lạch nước uốn khúc tụ hội thành ao, đầm thì là vùng đất vừa quý vừa hiếm, sách xưa nói: “sơn cao thiên nhận, bất như bình địa sinh sinh đôi” nghĩa là núi cao ngàn đợt mà không bằng gò đất nổi lên cao ở đồng bằng. Những vùng đất như vậy thường sinh ra người vừa phú vừa quý; đó là thế đất sơn thủy hữu tình.
Tóm lại long mạch vùng đồng bằng khó thấy nguồn gốc phát tích, tuy đi ngầm trong lòng đất nhưng vẫn để lại một vài chứng tích như gò cao, núi đồi đột khởi, sống đất chạy dài, ao, hồ, sông lạch chảy tới hoặc hội tụ với nhau, v.v... đó là những biểu hiện của long mạch có trong lòng đất. Cổ nhân đã đúc kết một vài nhận định như trên để ta tham khảo và học tập.
Tìm long mạch ở vùng đồng bằng là cả một quá trình công phu và phức tạp, vì chỉ dựa vào các gò đống nổi lên cao, hay các ao, hồ, lạch nước thì vẫn chưa đủ vì chưa thể tìm ra chỗ cội nguồn phát tích và các trạng thái chuyển động của nó; vậy nên các nhà địa lý xưa phải chờ đợi tới mùa mưa lũ lớn để quan sát các dòng chảy của thủy xuất và thủy nhập, thủy tụ và thủy phân thật cụ thể, sau đó đánh dấu vị trí và phương vị, để rồi tới mùa khô kiểm chứng lại xem có đúng không thì mới quyết định được chỗ dùng để làm nhà hay mồ mả. Tóm lại tìm long mạch là một quá trình đòi hỏi phải có kiến thức và lòng kiên nhẫn.
***
Tư liệu thực hành
TRẠCH BẰNG Phong Thủy Sư – Lương Y.
Nhận xét
Đăng nhận xét