NHỮNG THIẾU SÓT VỀ NHẬN THỨC VÀ ỨNG DỤNG TRONG KHOA HỌC PHONG THỦY

 

NHỮNG THIẾU SÓT VỀ NHẬN THỨC VÀ ỨNG DỤNG TRONG KHOA HỌC PHONG THỦY

 

Ứng dụng phong thủy từ lâu đã không còn xa lạ gì đối với người dân trong đời sống xã hội nhưng vẫn phạm nhiều sai lầm.

1/. Thiếu sót trong nhận thức về phong thủy.

Thời xa xưa, những ứng dụng phong thủy vào các vấn đề, công việc nào dù lớn, dù nhỏ người dân đều cậy nhờ vào các thầy địa lý hay các thuật sĩ nói chung. Mặc dù nhiều thầy không thông tường nhiều phương pháp phong thủy. Và trong tâm niệm người dân thường chỉ có thầy địa lý. Đại đa số các thầy thường làm các công việc: xem đất, định hướng nhà, tìm long huyệt đặt mộ. Các việc thuộc về nghi lễ lại là công việc của các thầy phù thủy, thầy cúng, các đạo sĩ, các phương sĩ, thầy mo. Thực ra các loại thầy này làm pháp thuật, phần lớn nằm trong những quy tắc phương cách của khoa học phong thủy. Song, để tăng thêm tinh huyền bí, khó hiểu trong dân chúng, họ thường cách điệu cách thức làm mang sắc thái phù phiếm, mê tín, thần thánh hóa. Nhiều việc trở thành dị đoan. Tên gọi thầy phủ thủy từ đó mà ra!

Những cách thức hành nghề như thế đã làm cho bản chất khoa học của phong thủy bị gắn vào mê tín trong quan niệm của dân chúng kéo dài theo thời gian. Nó gây ra những nhận thức sai lệch về khoa học phong thủy trong xã hội.

Thời hiện đại, khái niệm phong thủy tuy đã khá quen thuộc trong xã hội nhưng do nhận thức không thật thấu triệt ở người dân khi ứng dụng một số thuật pháp của khoa học phong thủy phổ thông nên đã không tuân thủ các nguyên tắc cần có. Vì vậy hiệu ứng của các phương cách, phép tắc hay đồ vật phong thủy không thực sự bộc lộ đúng vai trò vốn có và không đạt được mong muốn đã đặt ra.

Có rất nhiều ví dụ về người dân quen áp dụng thuật phong thủy nhưng ít hoặc không đạt được hiệu ứng phong thủy. Cụ thể như trồng cây không phù hợp; đặt bình cắm hoa không đúng chỗ hợp hướng với màu sắc; treo một đồng hồ, một bức tranh sơn dầu màu sắc không đúng, hay khoan, đào một cái giếng tùy tiện ở nơi, chỗ trong gia trạch.

Đơn giản muốn đặt một bức tượng để cầu may hay treo một gương bát quái để trấn hung mà quên bước “khai quang”, bởi vậy các đồ vật phong thủy có thể trở thành các thứ trang trí binh thường v.v…

Tác hại hơn là việc dùng các “pháp khí” trấn trừ, hóa giải. Do nhận thức không đầy đủ nên không những không đạt hiệu quả mong muốn mà có thể gây bất lợi rủi ro.

Ví dụ treo một ống sáo lệch hướng. Đặt một tượng “tịch tà” không đúng chỗ hoặc đặt đúng nhưng lại không đổi nơi đặt hàng năm cho phù hợp phép hóa giải theo “phi tinh”. Việc này sẽ khiến từ hóa giải thành phá tán, mất cát vận trong gia cư. Tại sao lại như vậy?

Hàng năm cửu tinh (9 sao) cụ thể Nhất Bạch, Nhị Hắc, Tam Bích, Tử Lục, Ngũ Hoàng, Lục Bạch, Thất Xích, Bát Bạch, Cửu Tử thay đổi phương vị hiện diện (theo “bộ pháp lạc thư”).

Ví dụ, năm này, một hung tỉnh ở phương vị độ này nên cần đặt một “tịch tà” (pháp khí) để hóa giải tính hung hãn của hung tinh đó. Nhưng sang năm sau, ở chính phương vị đó lại là phương vị có sự hiện diện của một Cát tinh; trong khi “tượng tịch tà” không được rời đi phương vị khác thì sẽ phá tán mọi điều cát tinh đem đến, v.v…

Cũng do nhận thức không đầy đủ nên sau một thời gian sử dụng, các vật phong thủy đã cũ. Nó không còn “phong thủy khí” có lợi nữa cần được thay mới, chủ yếu là các tượng pháp.

Tất nhiên, nếu không thay một tượng pháp mới thì các tượng pháp cũ chỉ còn mang bản chất để trưng bày mà thôi! Cũng từ việc nhận thức về phong thủy chưa đúng, nên cho rằng các việc làm, các pháp cụ phong thủy ứng dụng trong thực tế đều là mê tín, đều là hão huyền, siêu nhiên.

2/. Sai sót về kiến thức phong thủy.

Trong nhiều sai sót về kiến thức phong thủy, có những sai sót ít gây hậu quả. Song có những sai sót có thể gây hậu quả tai hại và lâu dài. Bởi vậy, khi muốn ứng dụng một thuật phép phong thủy hay một đồ vật phong thủy nếu không hiểu thấu triệt cách thức, tác dụng và yêu cầu về chúng thì tốt nhất cần tham khảo thêm.

Trong thực tế một cuốn sách phong thủy không thể có đầy đủ mọi thông tin, mặc dù đó là một cuốn sách có nội dung về một môn, một khoa học hay một thuật pháp của khoa học phong thủy.

Không nói đến sự cầu toàn, nhưng việc áp dụng một thuật pháp phong thủy nào đó là để mong cầu một việc tốt lành.

Để ứng dụng phong thủy, cần có đủ kiến thức về thuật pháp, phép tắc phong thủy để không mắc sai sót hoặc không đạt kết quả như ý; hoặc nó có thể chỉ tạo ra tác dụng ngược.

Muốn treo một bức tranh ở phòng (phòng khách, phòng ngủ, phòng làm việc), nếu không có ý niệm về phong thủy ngũ hành thì không nói làm gì. Một khi có ý niệm về phong thủy đối với việc treo một bức tranh với ý đồ phong thủy thì cần có kiến thức trong nhiều khía cạnh phong thủy về bức tranh. Nếu chỉ biết cần treo bức tranh ở phương vị nào trong phòng; hoặc nhằm tăng khí lực cho một hành (trong ngũ hành) đang thiếu, đang yếu trong phòng, nội dung hay cho phù hợp với tuổi chủ nhà v.v.. song lại thiếu kiến thức để xem xét đến quan hệ, màu sắc, âm dương, ngũ thành trong bức tranh v.v… Một bức tranh có nội dung đơn điệu hay đa cảnh sắc cũng cần phù hợp với mục đích phong thủy. Như vậy việc treo một bức tranh với mục đích phong thủy có thể sẽ không hoàn hảo hoặc sẽ phá hỏng ý đồ nào đó.

3/. Sai sót do câu nệ trong ứng dụng phong thủy.

Phần nhiều việc ứng dụng các biện pháp phong thủy vào thực trạng của một gia cư hay một cơ quan, cơ sở kinh doanh v.v… đều có bàn tay của các thầy phong thủy có kiến thức sâu rộng và có nhiều kinh nghiệm thực tế. Mọi việc vì thế đều hợp lý và sẽ ứng dụng phong thủy tốt cho các trường hợp cụ thể.

Song đôi lúc do thiếu kinh nghiệm thực tế trong các trường hợp mà thực trạng của ngôi nhà, cơ quan, công sở v.v… không phù hợp với phương vị và do câu nệ cứng nhắc khi ứng dụng phong thủy có thể gây ra hình ảnh không đẹp mắt hay không thuận tiện trong sinh hoạt.

Trong thực tế có nhiều thực trạng của miếng đất, ngôi nhà v.v… không hoàn toàn hài hòa, đẹp mặt nếu lại áp dụng máy móc các quy tắc phong thủy, như kê một chiếc bàn làm việc xéo, xiên để phù hợp cung đẹp theo bát quái gia hướng, việc câu nệ, máy móc đó lại làm hình cảnh trong phòng trở nên trướng mắt, khó coi.

Trong trường hợp này không thể tuân thủ hoàn toàn quy tắc phong thủy mà phải tuân theo thực trạng căn phòng. Có thể dung đồ vật phong thủy để xử lý cho đạt mục đích mong muốn.

Cũng do sự câu nệ quy tắc, người còn thiếu kinh nghiệm phong thủy có thể mở một cửa, đặt một bàn thờ (các loại gia tiên, thổ công, ông địa v.v..), không thích hợp, không thuận tiện cho việc ra vào, cho việc giao dịch, thậm chí có thể gây tai họa. cản trở.

Có trường hợp câu nệ cứng nhắc quy tắc phong thủy, một bản thờ thổ công, một bàn thờ thần tài ở phía trên những kệ chứa đồ dễ bén cháy hay đối diện những vật dụng không sạch, không thuận sẽ là tai họa.

Vì tính câu nệ quy tắc mà mắc phải các loại sai sót trong thực tế áp dụng các phép tắc phong thủy. Việc câu nệ có đạt được sự đúng, chuẩn về ý nghĩa phong thủy song việc đó có thể tạo ra những bất hợp lý nhiều kiểu, hoặc có thể tàng ẩn hiểm họa khôn lường như hỏa hoạn do thắp nhang, đốt nến bất cẩn v.v…

4/. Sai sót trong ứng dụng các phép thuật phong thủy mang tính phổ biến.

Hiện nay, quan niệm ứng dụng phong thủy tương đối dễ dãi tùy tiện, bắt chước theo v.v..; Nổi bật nhất là sử dụng các đồ vật phong thủy.

Có rất nhiều ví dụ như treo gương bát quái trước cửa lớn nhà mà trong nhiều trường hợp là không cần thiết. Gương bát quái có một số tác dụng phong thủy tùy vào loại gương phù hợp các yêu cầu thực tế. Có một số loại gương bát quái được ứng dụng trong phong thủy.

- Ở Trung Quốc có cả một “học thuyết Bát Quái”. Học thuyết này có một phạm trù lý và luật và một phạm vi ứng dụng rất rộng do tính biến hóa vô lượng, khôn lường.

5/. Ví dụ dạng bát quái.

- Bát quái trong quân sự có “bát trận đồ" Khổng Minh - một nhà quân sư lỗi lạc thời Tam Quốc đã áp dụng rất hiệu nghiệm ở Xuyên Thiểm, Trung Hoa, nó đã khiến cho Lục Tốn, một đại tướng Đông Ngô (thời Tam Quốc) phải bó tay và Tư Mã Ý (Trung Hoa) phải xấu hổ vì “bát trận đồ”.

- Trong Đông Y có bài “Bát Vị Thang” (tám vị thuốc) của Đỗ Trọng Thư, một danh y nổi tiếng đời Đường Trung Hoa để chữa trị, tu bổ thận dương cho con người vô cùng diệu kỳ v.v..

- Bát quái được ứng dụng trong rất nhiều môn, ví dụ như trong bốc phệ, triết tự, phong thủy, văn hóa, cả chính trị, tâm linh v.v… Nó đã được ứng dụng hàng nghìn năm từ khi nó ra đời. Nó từng được các học giả, đạo nhân, thuật sĩ, phương sĩ đến các thầy cúng, thầy bói... nghiên cứu ứng dụng. Đến ngày nay, vai trò của bát quái vẫn được coi trọng; mặc dù từ một cách nhìn nhận nào đó, học thuyết Bát quái bị trộn lẫn với mê tín. Học thuyết Bát quái bị bôi nhọ hoặc ca ngợi trong các phái của giới học thuật nghiên cứu khác nhau ở ngay cả chính nơi nó ra đời và nó bị một số người hành nghề vô lương lợi dụng.

Bát quái chỉ là mấy nét gạch đơn giản xếp theo một quy luật, thế mà nó tàng chứa những điều kỳ bí, ý nghĩa sâu xa...

Việc nhận thức được rằng khi nào nên dùng gương “Tiên thiên bát quái đồ”, khi nào nên dùng gương “Hậu thiên bát quái đồ” và trường hợp nào dùng gương “Bát quái cực đồ”, gương bát quái lõm hay gương bát quái lồi là cả một vấn đề về kiến thức “Bát quái phong thủy”.

Vì mê bát quái, có người treo cả gương bát quái trong phòng ngủ. Thật là sai lầm tai hại vì mong giàu có, họ đua nhau mua Tỳ Hưu, Cóc Vàng, Chuột ngọc v.v.., thích danh vọng, họ chen lấn xô đẩy nhau ở Đền Trần - Nam Định để giành một “tờ Ấn” về và để trịnh trọng trên bàn thờ gia tiên! Những quần tượng: “Mã (ngựa) đáo thành công” (với ngũ mã, bát mã), Tam đa Ngũ phúc độc tượng Quan Công, Thái Thượng lão quân, các tứ linh, tứ vật rồng đá, rồng ngọc, ngay cả Phật A-Di-Lặc, Phật Bà Quan Thế Âm, v.v.., được dùng tùy tiện trong nhà.

Nhiều sai sót trong bày biện các vật phong thủy cát tường theo phong trào là phổ biến. Như vậy sẽ có nhiều hệ lụy khó lường do người ứng dụng phong thủy mà thiếu kiến thức phong thủy hay theo phong trào.

Cổ nhân học giả từng viết trong cổ thư khi luận về nhân học rằng kết cục của đời một con người là do: “Nhất mệnh, nhị vận, tam phong, tứ âm, ngũ lực, lục độc thư”. Nghĩa là một con người có kết cục tốt hay xấu là do: Trước tiên là số mệnh đã định “mệnh định tại thiên, không định tại nhân”.

Thứ hai là gặp các vận hội tốt (xấu). Vận hội bao gồm: Vận hội của bản thân.

Thứ ba là tác động của phong thủy (các loại phong thủy khí). Phong thủy gồm các khía cạnh phong thủy tốt hay xấu của nơi sinh sống, của gia trạch, gia tướng, gia cư của một người.

Thứ tư là âm phúc. Âm phúc mang tính tâm linh, chủ yếu là quan niệm sống và hành động, sống thiện hay ác mà tạo nên “các nhân quả hậu thế hay nhãn tiền”.

Thứ năm là lực. Lực bao gồm hai ý nghĩa. Thể lực vật chất và tinh thần. Ý nghĩa vật chất là thể lực của mỗi người ngay từ khi sinh có sức lực tốt là điều kiện thuận lợi trong các hoạt động nói chung. Ý nghĩa tinh thần là muốn nói đến tiềm năng trí tuệ, năng lực nhận thức, năng lực vận dụng và nghị lực, ý tứ v.v… của mỗi người.

Thứ sáu độc thư là muốn nói đến: chịu khó học tập và đọc sách v.v... Sách tàng chứa kho tàng kiến thức vô cùng phong phú. Nó cung cấp cho người những hiểu biết, kinh nghiệm bổ ích, hơn nữa chịu khó học và hành, chịu khó học thầy, học bạn, học mọi người và thực hành các điều đã học trong cuộc sống thực tế của bản thân.

Như lý giải trên, cổ nhân đã xếp phong thủy đứng hàng thứ ba trong 6 nguyên nhân góp phần gây nên kết cục tốt hay xấu của một con người. Vì vậy, phong thủy là rất quan trọng nhưng cho đến ngày nay, khoa học phong thủy không phải đã được mọi người nhận thức thấu triệt, hay chấp nhận hết. Trong thực tế đã xảy ra nhiều sai sót đáng tiếc khi ứng dụng phong thủy và vì thế đã xảy ra các rủi ro, tai họa mà không biết rằng đó là do tác động của “phong thủy khí” xấu tạo nên.

Nguyên nhân của các sai sót này là do thiếu kiến thức về khoa học phong thủy hay không tin vào hiệu quả phong thủy.

6/. Sai sót do không có kiến thức phong thuỷ.

Về thiếu kiến thức phong thuỷ, có nhiều trường hợp chưa có kiến thức về phong thuỷ trong thực tế cuộc sống. Rất nhiều người do thích cái này, cái kia theo ý riêng của mình, theo cách nhìn chủ quan của bản thân nên cứ làm, cứ mua về bày biện. Họ không biết rằng việc làm đó đã có thể lại phạm điều kiêng kỵ theo khoa học phong thuỷ hay họ không biết được các đồ vật (tượng thú, thần) ấy là các vật phong thuỷ.

Vì không tin vào phong thuỷ mà vào các ngày, giờ kiêng xuất hành, họ cứ đi xa vào giờ đó, ngày đó. Ngày kiêng động thổ vẫn cứ đập phá, đào, xới trong gia trạch, mồ mả. Đơn giản nhất là không rõ việc cúng cầu ở gia tiên phải có các ngày nhất định trong tháng nên ngày nào cũng thắp hương cầu khấn ông bà, cha mẹ đã quá cố. Họ nghĩ rằng các nơi thờ cúng công cộng ngày nào thắp hương thỉnh cầu mà chẳng được.

Họ không hiểu rằng gia tiên không phải luôn thường trực như các nơi thờ công cộng thờ thần phật.

Người thiếu kiến thức phong thuỷ nên khi thích một pho tượng thần Quan Công hay Văn Xương đại quân v.v… hoặc tượng Rồng Kỳ Lân, Phượng v.v… đều mua về bày biện trong nhà v.v…

Những việc làm do thiếu kiến thức phong thuỷ như vậy mà đôi khi gặp điều không hay.

7/. Không tin vào phong thuỷ.

Trong thực tế có người không tin vào khoa học phong thuỷ. Những người này cho phong thuỷ là điều nhảm nhí, mê tín, huyễn hoặc. Vì không tin phong thuỷ nên họ vẫn kê giường ngủ dưới dầm xa nhà hay bên dưới bàn thờ thổ công, bàn thờ gia tiên hoặc treo bàn thờ tuỳ tiện trong nhà không cần phương vị hướng nào. Họ không tin phong thuỷ nên vô tư bài trí phòng ốc, đặt bể phốt dưới nền giữa nhà, bố trí miệng cầu thang thẳng ra cửa lớn cho thuận tiện v.v... và v.v... Người đã không tin vào phong thuỷ, do đó mà họ sẽ không biết hậu họa sẽ xảy ra với họ, họ chẳng quan tâm, lo ngại gì.

***

Bài “Tài liệu nghiên cứu” TRẠCH BẰNG (Tam Do) Phong Thủy Sư – Lương Y.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

XEM TỐT XẤU NGÀY GIỜ MẤT CỦA NGƯỜI THÂN

CÁCH TÍNH CAN CHI LỘC MÃ QUÝ NHÂN

CÁCH XƯNG HÔ VỚI NGƯỜI QUÁ CỐ