NHỮNG KIÊNG KỴ TRONG ĂN UỐNG

 

KIÊNG KỴ TRONG VIỆC ĂN UỐNG

 1/. Kiêng kỵ khi chế biến món ăn

Theo kinh nghiệm của dân gian, để các món ăn ngon hơn và tránh bị ngộ độc do món ăn, người ta phải kiêng kỵ những điều sau:

- Kỵ chấm thịt gà, thịt vịt, thịt ngan với mắm tôm vì hai loại thực phẩm này đều có mùi tanh nên không thể kết hợp với nhau được.

- Ky ăn chuối hột chấm với đường, mật vì ăn vào sẽ không tiêu được gây chướng bụng, nếu ăn nhiều có thể dẫn đến tử vong.

- Ky trộn mật ong với dấm thanh vì theo kinh nghiệm dân gian, hai thứ này trộn lẫn với nhau sẽ trở thành một loại thuốc độc.

- Kỵ nấu rau đay, rau lang, rau mùng tơi với mỡ lợn, vì ăn vào sẽ bị đầy bụng tiêu chảy.

- Kỵ nấu măng tươi với ớt, vì theo kinh nghiệm dân gian hai thứ này nấu với nhau sẽ tạo thành mùi hăng rất khó chịu.

- Kỵ vắt chanh quả vào tương vì tương vốn đã có vị chua, vắt chanh vào sẽ trở nên chua gắt không thể ăn được.

- Kỵ ninh nhừ rau cần vì rau cần ninh nhừ sẽ dai như dẻ, không thể nhai được.

- Kỵ ăn sống khoai sọ, khoai nước, khoai môn vì những loại khoai này khi còn sống đều rất ngứa, phải ninh thật chín nhừ mới ăn được.

2/. Kiêng kỵ trong việc sắp mâm

Trong việc sắp mâm để chuẩn bị mời khách ngồi vào dùng, người ta kiêng kỵ những điều sau:

- Kỵ đũa vênh (đũa không thẳng), đũa cọc cạch (đũa có màu sắc, kích cỡ hoặc chất liệu khác nhau), bát mẻ, bát cóc gặm (bát sứt sẹo nhiều chỗ), mâm thủng, mâm sứt... vì những thứ này hình thức vừa khó coi lại không tiện khi dùng trong bữa ăn nên người xưa cho rằng sắp mâm như vậy là không tôn trọng người đến ăn cỗ. HCM

- Ky sắp thiếu bát, đũa, chén: Nếu mâm cỗ đóng năm mà chỉ sắp có bốn đôi đũa, bốn cái bát, bốn cái chén là điều tối kỵ. Bởi những người trong mâm sẽ nghĩ rằng, đây là mâm cỗ đóng bốn nhưng gia chủ lại nhét thêm người vào, nên họ sẽ nghĩ không tốt về gia chủ.

- Kỵ sắp thiếu món ăn, thiếu khẩu phần ăn ở những món đầu cỗ như giò, chả: Trường hợp thiếu món ăn, chẳng hạn đĩa lòng gồm có tim, gan, phổi, lòng non, dạ dày..., nhưng người sắp cỗ vô tình lại quên không cho tim hoặc một chi tiết nào đó vào; hay mâm cỗ đóng năm lại chỉ có bốn miếng tim. Những chi tiết trên tuy rất nhỏ nhưng phải đầy đủ và phải sắp sao cho người nào cũng có phần của mình. Nếu để xảy ra việc người này được ăn mà người kia lại không được ăn thì sẽ rất không hay.

Cũng như vậy, đối với trường hợp thiếu khẩu phần ăn, chẳng hạn mâm cỗ đóng năm, các món ăn khác đều đầy đủ mỗi món năm phần nhưng riêng đĩa giò hoặc đĩa chả lại chỉ có bốn miếng thì đây là điều tối kỵ. Nếu trường hợp sơ xuất này xảy ra thì tất cả những người khách trong mâm sẽ không ai đụng vào món ăn này, tức là sau khi họ ăn xong rồi, món đó vẫn còn nguyên.

- Kỵ xếp người lớn ngồi cùng với trẻ nhỏ, chức dịch ngồi cùng với sãi mã, người giàu sang ngồi cùng với người nghèo hèn, nho sỹ ngồi cùng với nông phu, người có con cháu đề huề ngồi cùng với người cô quả, cô độc... Sở dĩ có điều kiêng kỵ này là vì hai lý do: Thứ nhất là do sự phân biệt danh phận, ngôi thứ trong làng xã thời xưa; thứ hai là do kinh nghiệm thực tế, khi ngồi trong cùng một mâm cỗ thì bao giờ mọi người cũng cùng uống rượu, cùng chuyện trò. Chỉ có những người tương đương tuổi tác với nhau, tương đương địa vị xã hội với nhau, tương đương trình độ học vấn với nhau thì mới có thể nói chuyện với nhau một cách vui vẻ, thoải mái. Như vậy thì trẻ con không thể uống rượu và nói chuyện được với người lớn, nông phu không thể nói chuyện được với nho sỹ, người cô quả nói chuyện với người lắm con nhiều cháu thì dễ chạnh lòng tủi thân...

- Kỵ xếp người ăn chay ngồi với người ăn mặn, người theo đạo Thiên Chúa ngồi với người theo đạo Phật, kỵ xếp người tại gia ngồi ăn với nhà sư, kỵ xếp người ăn được thịt chó, thịt trâu, cá mè... với người không ăn được những món này. Sở dĩ có những điều kiêng kỵ trên vì những người này có nguyên tắc ăn uống và tín ngưỡng khác nhau nên không thể khiến cho bữa cỗ vui vẻ được.

3/. Kiêng kỵ trong việc bày biện món ăn

Ngày xưa, người Việt Nam ta thường không mấy câu nệ trong việc bày biện món ăn tại gia đình vì các cụ đã có câu “Thịt cá là hương hoa; Tương cà là gia bản”. Bữa ăn của các gia đình người Việt xưa (đặc biệt là ở nông thôn) chủ yếu chỉ có tương cà, dưa mắm chứ rất hiếm khi có thịt cá nên không cần phải quan tâm đến hình thức bày biện. Tuy vậy, ông bà ta lại rất chú trọng đến vấn đề hình thức trong việc bày biện cỗ bàn, theo đó có những điều kiêng kỵ như sau:

- Kỵ xếp các bát canh và bát nước chấm ở liền nhau, hoặc các đĩa thịt ở liền nhau trong cùng một mâm cỗ: Ngày xưa, trong mâm cỗ của người Việt Nam ta thường có bốn món chính là đĩa xôi, đĩa thịt thủ, đĩa lòng, bát canh và nhất thiết phải có bát nước chấm. Theo quan niệm của người xưa, các món ăn trong mâm cỗ bao giờ cũng có cả nguồn gốc từ thảo mộc và động vật; là đại diện cho muôn loài trên mặt đất. Hơn thế nữa, mâm cỗ còn là hình ảnh thu nhỏ của hình sống thế núi, của quan hệ âm dương ngũ hành, cụ thể là: Đĩa xôi, đĩa thịt là biểu tượng của núi non; bát canh, bát nước chấm là biểu tượng của sông hồ; bát nước chấm hội tụ đủ năm vị chua, cay, mặn, ngọt, đắng... Vì vậy, mà cũng theo quy luật tự nhiên sông núi thường gắn bó với nhau, đi liền nhau tạo thành bức tranh phong cảnh hữu tình, thì trong mâm cỗ, cái biểu tượng của sông phải đi liền với biểu tượng của núi, xen kẽ nhau, hòa hợp với nhau thì mới hợp với lẽ thường. Người ta rất kiêng kỵ việc bày mâm cỗ có các bát canh và bát nước chấm ở liền kề nhau hoặc hai đĩa thịt ở liền kề nhau.

- Kỵ đảo lộn trật tự thứ bậc của những người ngồi trong mâm cỗ: Ngày xưa, sự phân biệt danh phận và ngôi thứ rất rạch ròi. Nó không chỉ được thể hiện một cách cụ thể trong những công việc chung của làng xã mà ngay cả trong những bữa cỗ của làng xã hay của từng gia đình. Đối với cỗ của làng (thường tổ chức tại đình làng) thì các cụ già được kính nể trong làng hay những người có địa vị, danh phận thường được sắp ngồi ở chiếu trên; những người có ít tuổi hơn một chút, có danh phận thấp hơn một chút thì phải ngồi chiếu dưới; còn các dân định trong làng thì có khi chỉ được ngồi ở thềm đình hay sân đình. Đối với cô tại gia đình thì các cụ cao tuổi, rồi đến những người có địa vị, danh phận thường được xếp ngồi ở mâm trên, những người ít tuổi hơn, có địa vị thấp hơn thì ngồi mâm dưới... Những người cùng ngồi trong một mâm cỗ cũng được phân rõ thứ bậc từ thấp đến cao . Dù là cỗ do làng tổ chức hay cỗ tại gia đình thì bao giờ trong một mâm cũng có người đóng cái. Người đóng cái là người cao tuổi nhất mâm hoặc có địa vị danh vọng cao nhất mâm (trong trường hợp mọi người trong mâm bằng tuổi nhau). Người này được ngồi ở vị trí thứ ba (đối với cỗ đóng năm) hoặc ở phía trong bên tay phải (đối với cỗ đóng bốn). Thông thường món đầu cỗ (đĩa giò, chả, lòng) được bố trí ở trước người đóng cái. Người đóng cái động đũa vào đĩa nào, bát nào thì mọi người trong mâm mới dùng đến món đó.

Nếu trong mâm cỗ có người đóng cái được kính nể nhất thì cũng có người được xếp vào vị trí thấp nhất, đó là người ít tuổi nhất trong mâm. Người này phải ngồi đầu nồi để xới cơm và tiếp thêm thức ăn, cơm, nước... cho mọi người trong mâm khi người đóng các yêu cầu. Thứ bậc nói trên bao giờ cũng được duy trì trong một mâm cỗ, các cụ tuyệt đối kỵ đảo lộn trật tự thứ bậc này.

- Kỵ bày xôi trắng trong đám cỗ cưới, cỗ khao, cỗ cất nhà, ngày đầu năm... (tức là những ngày vui) vì theo người xưa thì màu trắng tượng trưng cho sự lạnh lẽo, chết chóc. Vì vậy trong những bữa cỗ vui, người ta thường bày xôi vò hoặc xôi gấc.

- Kỵ bày xôi gấc, xôi vò trong đám ma, đám cải cát... vì hai món xôi này tượng trưng cho niềm vui, sự hoan hỉ nên không thể bày trong những ngày mất mát, tang tóc được.

4/. Một số kiêng kỵ khác trong ăn uống

- Kiêng đơm cơm một đũa: Đơm cơm là dùng đũa hay môi xới cơm từ nồi vào bát. Đơm cơm một đũa là một bát cơm chỉ với một đũa, hay một môi (tức là một lần). Người xưa quan niệm rằng cơm đơm một đũa là cơm của ma quỷ, vì vậy chỉ khi đơm cơm cúng người ta mới với một lần. Còn khi đơm cơm để ăn thì dù đơm bát vơi hay bát đây, người ta cũng phải xới ít nhất là hai đũa (tức hai lần xới mới được một bát cơm).

Xuất phát từ quan niệm này mà người xưa cũng kiêng ăn những bát cơm xới ra để cúng. Khi hạ mâm cỗ từ trên ban thờ xuống, bao giờ người ta cũng đem những bát cơm cúng này đổ vào nồi, hấp lại cho nóng rồi mới xới ra ăn.

- Kiêng dâng cơm, rượu và món ăn lên bàn thờ cùng một lúc: Theo quan niệm dân gian, khi dâng cỗ mặn để cúng Tổ Tiên thì bao giờ các cụ cũng uống rượu trước rồi mới ăn cơm. Vì vậy con cháu phải dâng cỗ và rượu trước, khi cháy hết nửa tuần nhang thì mới dâng cơm lên, vì lúc này các cụ đã uống rượu xong. Nếu con cháu dâng cơm, rượu và món ăn lên cùng một lúc là có ý không muốn cho các cụ uống rượu; như vậy là không thành kính sẽ bị các cụ quy phạt.

- Kiêng hạ mâm cúng khi chưa hết tuần nhang: Khi đã dâng mâm cỗ cúng lên bàn thờ, gia chủ thắp ba nén hương và khấn các cụ về dự cỗ. Đợi khi hương cháy được một nửa thì xới cơm dâng lên và khấn mời các cụ dùng cơm. Lúc này các cụ đã uống rượu xong và bắt đầu chuyển sang ăn cơm. Theo quan niệm dân gian, khi tuần nhang cháy hết là lúc các cụ ăn uống xong xuôi. Vì vậy, gia chủ phải đợi tuần nhang cháy hết mới được xin phép các cụ hạ mâm cúng xuống. Nếu tuần nhang chữa cháy hết mà gia chủ đã hạ mâm cúng là vô phép với các cụ, bởi vì lúc ấy các cụ còn đang ăn dở. Dân gian ta tuyệt đối kiêng kỵ điều này.

- Kiêng đánh con cái trong khi đang ăn: Sở dĩ dân ta kiêng đánh mắng con cái trong bữa ăn là để giữ bầu không khí gia đình vui vẻ, thỏai mái, mọi người ăn uống ngon miệng. Nhưng cũng vì một lý do khác nữa là để tránh trường hợp không hay xảy ra. Ngày nay, các cụ vẫn còn kể lại một câu chuyện như sau: Có một ông bố đi làm mệt nhọc về, buổi trưa ăn cơm cả nhà chỉ có bát canh rau là thức ăn duy nhất. Đứa con trai 6 tuổi nghịch ngợm cứ vừa ăn vừa chạy nhảy quanh mâm cơm, ông bố nhắc nhở mấy lần nó vẫn không chịu dừng lại. Đúng lúc đó nó ngã vào mâm làm bát canh vỡ tan chảy lênh láng ra nhà. Ông bố tức giận quắc mắt lên quát tháo ầm ĩ rồi lấy que quất túi bụi vào người con. Đứa bé đang ngậm miếng cơm trong miệng, sợ quá nuốt vội xuống nên bị nghẹn bố trong cổ, mắt trợn ngược lên. Ông bố tưởng con cứng đầu, trợn mắt lên để tỏ vẻ không sợ, liền quất thêm cho con mấy roi nữa. Khi đứa trẻ hú hú lên mấy tiếng, mặt mày tím tái, ông bố mới hiểu ra sự tình, vội vã cứu chữa cho con nhưng không còn kịp nữa.

Chính vì trường hợp chết đột tử này mà từ đó tới nay, các bậc cha mẹ không mấy khi đánh mắng con cái trong bữa ăn, cho dù chúng có tội nặng đến mấy. Dân gian ta có câu: “Trời đánh còn tránh bữa ăn” là để nhắc nhở các bậc cha mẹ luôn nhớ điều này.

- Kiêng ăn cơm tối ở ngoài đồng: Vào khoảng tháng mười (Âm lịch) hàng năm là đến vụ thu hoạch lúa mùa của các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Tục ngữ có câu: “Ngày tháng mười chưa cười đã tối”, nghĩa là ngày tháng mười rất ngắn. Theo quy luật thời tiết ở nước ta, vào các tháng khác thì buổi sáng mới 5 giờ trời đã sáng rõ, còn chiều đến thì 6-7 trời mới tối hẳn; nhưng vào tháng mười thì phải 6-7 giờ trời mới sáng rõ, còn chiều đến thì mới 5 giờ trời đã tối đen. Để vụ mùa thu hoạch được nhanh chóng, người ta thường ăn cơm trưa luôn tại đồng cho đỡ mất thời gian. Nhưng đến buổi tối thì dù bận mải đến mấy người ta cũng phải về nhà ăn cơm. Vì theo quan niệm dân gian, ăn cơm tối ở ngoài đồng sẽ bị ma ăn tranh nên cơm canh sẽ rất lạnh lẽo. Không những thế, ăn cơm này vào có thể còn bị bệnh tật.

Trên đây là những điều kiêng kỵ trong ăn uống của người xưa, theo phong tục dân gian của người Việt.

 

TRẠCH BẰNG (Tam Do) Bài nghiên cứu ứng dụng.

Nhận xét

  1. Kiến thức chia sẻ vô cùng bổ ích, bữa sáng là bữa rất quan trọng trong các bữa ăn trong ngày nếu mọi người không có thời gian ăn nhanh thi có thể tham khảo các loại hạt dinh dưỡng tại Bestie Food để có 1 bữa ăn nhanh tiện lợi an toàn cho sức khỏe

    Trả lờiXóa

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

XEM TỐT XẤU NGÀY GIỜ MẤT CỦA NGƯỜI THÂN

CÁCH TÍNH CAN CHI LỘC MÃ QUÝ NHÂN

CÁCH XƯNG HÔ VỚI NGƯỜI QUÁ CỐ