BÀI ĐIẾU VĂN

Bài Điếu Văn
Cụ Ông Nguyễn Văn Ban

Kính thưa hương hồn Cụ NGUYỄN VĂN BAN
Kính thưa: Gia đình tang quyến!
Kính thưa Đại diện các đoàn thể địa phương, các cụ ông, các cụ bà, các ông, các bà; 
Thưa toàn thể bà con nhân dân có mặt trong phòng tang lễ.

   Khuya ngày 02 tháng 9 năm 2017 (nhằm ngày 12/7 năm Đinh Dậu) Cụ ông NGUYỄN VĂN BAN đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà con Trai rốt; Gia đình đã tổ chức tang lễ tại địa phương, phường Tân Thới Hiệp, Quận 12, T/p HCM. (hình thức Hỏa Táng mang tro cốt về yên nghỉ tại quê nhà, theo ý nguyện của cụ).

   Hôm nay; Tại Làng Trinh Hà, Xã Hoằng Trung, Huyện Hoằng Hóa, Tỉnh Thanh Hóa. 
Hội người cao tuổi cùng các Ban ngành đoàn thể, các cụ ông, các cụ bà, các ông, các bà, bạn bè thân bằng cố hữu gần xa, cùng toàn thể nhân dân tụ họp nhà cụ để tiễn đưa người hàng xóm, người chồng gần 70 năm gắn bó, người cha thân thương của các con, người Ông yêu quý của các cháu, người Cố của các chắt, người Con của gia tộc họ NGUYỄN (Trinh Hà) về nơi an nghỉ cuối cùng.

Thế là: Than ôi!
Đất phủ màu tang
Trời nghiêng bóng xế
Thân trần tục sắc không, không sắc, xót bấy bạch câu
Mảnh hình hài sinh tử, tử sinh buồn thay phù thế
Giận hóa công, gây bấy tang thương
Trách con tạo bày chi định lệ
Tình phụ tử ngàn thu vĩnh biệt
Các con đây thương xót bấy nhà Thông
Cảnh âm dương đôi ngã chia lìa
Dâu, Rể đó ngậm ngùi thương xót bố.

   Nhớ đồng tộc thân thương xưa:
Phúc hậu làm nềnGia phong giữ lễ
Sống đời kiệm cần, quen tính siêng năng
Vốn nếp thuần lương, chọn đời nông nghiệp.

   Trong kháng chiến chống Pháp ông tham gia Dân công hỏa tuyến tiếp tế lương thực, đạn được phục vụ cho mặt trận Điện Biên Phủ.
   Đời sống giản dị hiền lành làm người nông dân thuần túy được mọi người kính nể yêu thương, dân làng quý trọng.

   Ông cũng là người khéo tay một thời với nghề đẽo cày. Cày hư, cày gãy, cày xếp xó khi vào tay ông thì trở lại như mới để theo người nông dân ra đồng. Đất xới lên lật úp, đường cày thẳng tắp, đẹp mắt ai cũng vui khi được ông sửa chữa. Ông được điều động lên xã để sửa cày ăn công điểm giúp bà con trong toàn xã Hoằng Trung.

   Đời sống thôn quê; Ông được Nhạc Phụ truyền cho bài thuốc Bắc gia truyền chủ trị các bệnh Xương, Cơ, Khớp, Thần kinh, Phong thấp; trên 50 năm bào chế thuốc gia truyền ông đã cứu được nhiều người, kể cả em bé nhỏ tưởng chừng xa lìa cuộc sống, thuốc Bắc của ông được lan tỏa mọi miền đất nước. Hiện nay các con của ông vẫn kế nghiệp bài thuốc để giúp ích cộng đồng.

   Dù ở đâu lúc nào ông vẫn giữ:
Lời nói ôn tồn, khôi hài; Tác phong nhã nhặn; Sự giao du trên dưới chu toàn.
Việc làm cần mẫn, thái độ ôn hòa, cách xử thế, ngoài trong độ lượng.
Tạo mối đoàn kết xóm giềng, thương yêu giúp đỡ, chia sẻ người nghèo khó ốm đau, hoạn nạn lúc sa cơ. 
Ông đã chu toàn bổn phận một công dân mẫu mực. 
Trong gia đình Ông đã làm tròn trách nhiệm một người Chồng, người Cha, người Ông, người Cố gương mẫu. 
Giúp con cháu tu rèn đạo đức dựng xây quê hương với cả tấm lòng chân thực yêu thương cống hiến trọn đời cho con cái.

Mừng con cháu chăm lo đèn sách
Nghiệp bút nghiên chẳng thẹn với tiền nhân

Tất cả con cháu đều thoát ly làm viên chức Nhà Nước
Vui Dâu, Rể có được cơ ngơi, có đời sống văn hóa cao ở nơi đất khách.
Cảnh gia đình, nhà êm cửa ấm, vun vén từ phước Mẹ, thuở sinh tiền.
Đường tử tôn, áo ấm cơm no, xuất phát bởi lộc Cha, còn tiếp kế.

   Chín mươi chín tuổi, ông về miền Tiên Trúc, cuộc trăm năm đành đoạn chia ly. Suốt một đời ông nuôi con, dưỡng cháu mãi vững bền 4 trai 1 gái và 4 người con Dâu Rể

   Là gia đình Liệt sỹ, có công với Cách Mạng, con trai lớn của Ông là Liệt sỹ chống Mỹ hy sinh năm 1966, Gia đình có 5 người con 3 tham gia Bộ đội (trong đó 1 hy sinh, 1 là thương binh) 1 Người con gái duy nhất Là Thanh niên xung phong Chống Mỹ.

   Ông đã sống đời Kiệm, Cần, Liêm, Chính. Tộc Họ, xóm làng ai cũng nể, cụ ra đi để lại cho bà con làng xã, quê hương những tình cảm chân tình và nhiều kỷ niệm ấm lòng.

   Những tưởng Ông hưởng thêm tuổi  thọ, sớm chiều có hình bóng trong nhà, là cây cổ thụ che bóng mát cho các con cháu chắt.  Nay Ông đã cõi dứt trần, phút chốc phôi pha đường mệnh hệ.

Ôi!
Chia cách âm dương; Đổi thay dâu bể
Năm Đinh Dậu, tháng Mậu Thân vĩnh biệt cõi trần
Ngày mùng 2 hồi  22  giờ 15 phút giã từ dương thế.
Can thường nghĩa trọng; Ông đã ra đi, con cháu vẫn chưa thỏa lòng dưỡng đáp
Phụ tử tình thâm, cây muốn lặng mà gió đâu ngừng.
Ôi! Công dưỡng dục tày non; Ơn sinh thành tựa bể.
Cháu con buồn sầu, hoa nọ héo tàn; Cảnh vật tiêu điều, cây kia quạnh quẽ.
Lời vàng đồng vọng, nhớ di ngôn, thổn thức tâm can.
Sầu tủi ngổn ngang, xóm làng lưu luyến nhớ thương.

Nay Tro cốt còn đây, tiếng nhạc khơi buồn, gợi nhớ, mong hương hồn ông siêu thoát cảnh tiêu diêu

   Rồi xe tang đưa tiễn ông về chốn cửu tuyền, trầm tỏa ngát, hương bay xa, xót phần mộ nằm yên nơi Vĩnh Hằng.

Thôi còn chi nữa mà mong
Đời người chỉ thế là xong một đời
Đời ông ánh tỏa sáng ngời
Làm gương Con Cháu đời đời noi theo.

   Trước bàn thờ khói hương bay tỏa, để tưởng nhớ tới ông và vĩnh biệt ông mãi mãi. Chúng tôi xin đề nghị các cụ, các ông các bà và toàn thể nhân dân có mặt trong phòng tang lễ hãy nghiêng mình trước tiểu quách, dành một phút mặc niệm để tỏ lòng thương tiếc và vĩnh biệt Cụ ông Nguyễn Văn Ban.

Cầu mong cho hương hồn cụ được siêu thoát, an lạc, an giấc ngàn thu./.

"Bản nhạc không lời Hồn Tử Sỹ"...


Soạn thảo bởi Tam Do Ngọc

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

XEM TỐT XẤU NGÀY GIỜ MẤT CỦA NGƯỜI THÂN

CÁCH TÍNH CAN CHI LỘC MÃ QUÝ NHÂN

CÁCH XƯNG HÔ VỚI NGƯỜI QUÁ CỐ