ĐIỀU NÊN BIẾT VỀ LỄ TANG NGƯỜI VIỆT

Điều nên biết về Lễ Tang người Việt

Tang lễ : Hay tang ma, đám ma, đám tang là một trong những phong tục của người Việt. Từ xa xưa do đã chịu ảnh hưởng rất nhiều từ nghi lễ của Trung Hoa nên tang lễ của người Việt cũng gồm rất nhiều quy trình, song đã cải biến nhiều chỗ để phù hợp với truyền thống dân tộc Việt. Tang lễ là tất cả những nghi thức do người sống thực hiện cho người chết từ lúc hấp hối cho đến khi chôn cất, nhằm thể hiện lòng thành kính, biết ơn đối với người đã khuất. Sinh hoạt xã hội Á Đông rất coi trọng tình cảm, đề cao tình thân, coi trọng huyết thống gia đình thân tộc hơn nên những nghi thức nghi lễ trong tang ma được thực hiện rất chu đáo, bài bản. Trong tư tưởng triết gia Á Đông, việc thực hiện nghi lễ tang ma đối với người chết là rất quan trọng, là bổn phận của những người sống đối với người khuất là cha mẹ, anh chị em, họ hàng thân tộc của mình. Cái chết đối với mỗi người không ai tránh khỏi và tang lễ là vấn đề nghiêm trọng đối với một gia đình nào đó. Ngay từ giờ phút hấp hối của một người, khôn khí gia đình đã trở nên trầm lắng xuống với vẻ thiêng liêng; con cháu gần xa được báo tin vội vã quay về để “gặp mặt lần cuối”, tuy đông đủ nhưng đều im lắng với một vẻ u ám, buồn bã.

   Mỗi tộc người ở Việt Nam sẽ có những nghi lễ tổ chức tang lễ khác nhau phù hợp với sinh hoạt tâm linh, truyền thống của tộc người họ. Nhưng cơ bản vẫn dựa trên những quy tắc thực hiện nghi lễ chung của người Việt Nam, dù là tộc người Kinh và các tộc người thiểu số chẳng khác là mấy. Và, trong tang lễ ngày nay lại có những điểm khác và mới lạ so với thời kỳ từ thế kỷ 20 trở về trước. Nhiều nghi lễ được giản tiện để phù hợp với hoàn cảnh xã hội, nhất là ở thành thị “đất chật người đông” với nhịp sống hiện đại.
   Từ xa xưa, người người ta có ý nghĩ là sẽ chết nên trong nhà luôn được thủ sẵn một quan tài (hòm), được chọn lữa kỹ càng, gỗ tốt; và cả đồ bổ khuyết, đồ khâm liệm…Đó là đối với nững nhà giàu khá giả, phú quý còn với những gia đình nghèo khó thì họ chắc chắn phải chuẩn bị đủ quần áo đẹp, chiếu mới. Ngày xưa kia là vậy, đến bây giờ thì không còn chuẩn bị như này nữa vì người ta sợ nghĩ đến tang ma trong nhà, đặc biệt kiêng kị việc để quan tài trong nhà vì ý nghĩ mang điềm xấu đến gia đình.
   Những nghi thức tang ma cơ bản của người Việt được thực hiện trình tự như sau và hầu như vẫn còn nguyên vẹn giá trị gốc không thay đổi ở hiện tại là mấy:
§  Lúc hấp hối con cháu vực đưa giường ra giữa nhà, ngày nay thì người ta sẽ đưa lên gian nhà thờ hay gian nhà chính, đặt đầu nằm quay về hướng đông để thụ sinh khí.
§  Cắt người coi sóc, nắn chân tay.
§  Hỏi xem có dặn bảo gì thì ghi chép, ngồi trò chuyện, thủ thỉ với người hấp hối trước khi họ ra đi, cầu mong họ an tâm, yên lòng mà ra đi thanh thản.
§  Đặt tên thụy tên hiệu (tục gọi là tên hèm) đọc cho họ nghe, nếu sức quá yếu thì kề sát tay, đọc rõ ràng, nhắc đi nhắc lại để nhớ mà sau này gọi về cúng cơm.
§  Đặt ít bông lên mũi để biết rõ ngày tắt nghỉ. Phải chính xác ngày giờ để đưa thầy xem có kỵ giờ ngày hành lễ hay không, tránh trùng ngày xấu, ma quỷ tranh giành.
§  Lúc tắt hơi rồi, gài một chiếc đũa ngang miệng cho hé mở hàm rang (để dễ phạn hàm khi liệm).
§  Rước đặt thây xuống chiếu trải trên đất để mong sinh khí phục hồi, rồi lại rước đặt lên giường, dùng vải đắp phủ kín. Nhà nghèo chỉ có chiếu đắp lên thây, không đủ kín thì dùng vải trắng (tờ giấy) phủ kín lên mặt và chiếu đắp kín thân thây. Tục truyền, không phủ kín mặt và không canh chừng lỡ có chó mèo chạy qua nhìn phải mắt người chết dễ sinh ra quỷ nhập tràng. Có lẽ đây là dụng ý khiến người ta phải cử người trông nom thi hài và dắp kín mặt mũi, thân…

Hú vía: Con cầm áo người chết trèo lên nóc nhà đi lối phía trước, gọi tên người chết ba lần “Ba hồn bảy vía ông… đâu, về với con!” đoạn trèo xuống đàng sau, cầm áo ấy phủ lên thây, có ý cầu mong cho người sống lại.

Mộc dục: Sắp đủ một dải lụa để buộc tóc, một con dao nhỏ để cắt móng tay chân, hai khăn vải trắng (một tắm, một lau mặt), một lược thưa để chải tóc, một chiếc gáo, châu tắm lau thi thể bằng rượu hay cồn, một chậu để nước thừa. Thay bỏ áo cũ, mắc áo mới. Công việc này có ý nghĩa là vệ sinh khử trùng, và phải tiến hành sớm, nhanh để kịp giờ khâm liệm. Tránh để thi thể quá lau bên ngoài vì sau một ngày đêm xác sẽ hư và bốc mùi hôi thối. Việc khâm liệm ngày nay được thầy cúng coi ngày giờ, được chọn ngày tốt gần nhất để khâm liệm và nhập quan.

Hồn bạch: Lấy bảy thước lụa đã đặt trên ngực trước khi tắt thở (đón hơi thở người chết vào đấy) kết như hình người. Sau khi nhập quan, đặt hồn bạch lên ỷ trên linh sàng để sớm tối rước ra vào. Ngày nay, người ta dùng di ảnh thay hồn bạch.

Tang chủ và chủ phụ: Tang chủ lập cho con trưởng, nếu con trưởng đã chết thì lập cho con trai đầu lòng của con trưởng (hay gọi là cháu đức tôn).

Tướng lễ, hộ tang, tư thư, tư hóa:
+ Lập tướng lễ là người phải thông thạo cách xếp đặt mọi việc tang lễ.
+ Hộ tang là người hiểu biết lễ nghi để giúp việc.
+ Tư thư biên lễ khách đưa đến phúng.
+ Cử người tư hóa để ghi chép việc tiêu dùng.

Cáo phó: Người tư thư làm cáo phó

Trị quan: Sửa soạn quan tài và tất cả mọi thứ phụ tùng đem đến đặt dọc theo một bên nơi đặt thi hài. Dùng giấy bổi hay giấy bản lót đáy quan tài hoặc có nhà không dùng giấy mà dùng bỏng nẻ hay trà búp khô trải khắp đáy. Thầy cúng làm lẽ phạt mộc, tay cầm dao, tay cầm nén hương niệm để trừ thạch tinh cốt khí có thể ẩn náu trong gỗ. Nhiều nhà còn tin tưởng họ dán cả bùa trong ngoài áo quan. Ngày nay, việc dùng trà búp khô để lót trong quan tài rất phổ biến nhằm để tỏa mùi thơm, ác đi mùi hôi của thây.

Phạn hàm: Gạo vo sach và ba đồng tiền mài sáng, tang chủ dùng thìa xúc gạo và đồng tiền đổ vào miệng, lần đầu là sơ phạn hàm, lần hai là tái phạn hàm, lần cuối ta, phạn hàm. Phạn hàm là dụng ý tránh chẳng để miệng người chết hư không.

Liệm (gồm đại liệm và tiểu liệm): Khi liệm, tang chủ vào khóc quỳ xuống, người chấp sự quỳ theo và khấn: “Được ngày giờ, xin lễ liệm, cẩn cáo.” Tang chủ sụp lạy và đứng lên. Những người lo việc liệm xác phải tiến hành những việc: Cởi bỏ buộc hàm, chít đầu và phủ mặt xác chết bằng vải vuông hay vóc nhiễu màu đen lót hàng màu hồng có dải buộc ra đằng sau gáy, lồng bao tay, mang vớ và giày. Trước khi nhập quan, trong áo quan có rải sẵn một lượt trà, bỏng gạo hoặc bất cứ thứ gì có thể hút nước của người chết tiết ra.

   Dùng vải trắng hoặc lụa. Tiểu liệm gồm một miếng vải trắng dài 14 thước ta, có ba đoạn vải ngang, mỗi đoạn 6 thước ta đặt thẳng góc với miếng vải chính. Đại liệm cũng có chiều dài tương tự nhưng gồm 5 đoạn ngang. Các đoạn này phải sắp cho vừa với thân người để buộc lại khi liệm thành mảnh thứ nhất ngang đầu và tới mảnh cuối cùng ngang bàn chân người chết. Khiêng thây đặt ngay ngắn, chỉnh tề tránh để nước mắt con cháu rơi trúng, sợ sau này con cháu khó làm ăn.
Tạ quan: Cần phải có đầy đủ trong quan tài như là gối kê đầu, hai gối lót hai bên tai, một tấm đệm đầu, hai tấm đệm chân, hai tấm đệm dựa về đùi, hai tấm đệm về chân, tấm che mặt. Tất cả những thứ này đều làm bằng giấy bồi, trong có nhồi bấc.

Lễ nhập quan: Được tiến hành ngay sau khi liệm xong. Thân nhân có mặc đứng thứ tự xa gần, trên dưới quanh quan tài. Phải canh đúng “giờ tốt” do thầy cúng hay thầy tu ở chùa coi sách chọn. Những người kỵ tuổi với người chết (trong vòng con cháu ruột), vào giờ nhập quan phải lánh mặt ra chỗ khác, xa hẳn để phòng ngừa tai hại về sau (vì theo cổ tục người ta tin rằng người chết có thể bắt theo).

Thiết linh sàng, linh tọa:
Thiết linh sàng là kê giường nằm cho vong hồn người chết
Linh tọa: Là bàn thờ, bao giờ cũng đặt ở phía trước linh cữu. Trên linh tọa về phía trong nơi giữa đặt bài vị đề chức tước, họ, tên húy, tên thùy (ngày nay có thêm di ảnh)
Thành phục: Ngày sau khi thiết linh tọa thì làm lễ thành phục. Sắp sẵn đủ đồ tang phục cho con trai, con giá, con dâu, con rễ và anh em.

Phục tang: Con trai mặc áo sô, đội mũ nùn, ngày nay dùng một cái khăn hình tam giác cùng vải tang, có dây cột, trùm buột lên đầu cho gọn và đặt trên một cái bích cân làm bằng rơm quấn dây vải, hai thứ này được gọi là mũ bạc hay mũ rơm. Thân mình quấn một cái đai làm bằng dây rơm cũng quấn vải, gọi là dây rơm. Con trai còn phải cầm gậy, cha gậy tre mẹ gậy tầm vông. Các cháu trai cũng mặc tang phục như con trai, chỉ khác là có làm dấu đỏ tròn trên mũ ở trước trán để mọi người nhìn vào dễ phân biệt. Con dâu cũng mặc sô gai thắt lưng ra ngoài bằng dây bện bẹ chuối, áo sổ gấu hay không thì tùy trường hợp còn cha hay mẹ ruột, cũng như con gái còn ở nhà khác con gái đã lấy chồng: áo có sổ gấu và không. Mọi người đều xõa tóc đội mũ mấn. Con rể và anh em mặc áo thụng trắng, chị em quấn vặn khăn trắng với tóc. Tất cả thân thuộc đều mặc đồ trắng cả.

Triêu tịch điện: Sau lễ thành phục, mỗi ngày buổi sớm và buổi chiều cúng cơm.

Kèn giải: Từ lúc tế thành phục rồi, phường nhạc phải túc trực một bên, mỗi khi khách đến phúng điếu lại thổi kèn và nổi trống cho khách hành lễ. Kèn giải như một cách để báo tin, làng xóm nghe trống kèn lễ biết nhà tang để đến phúng viếng, chia buồn.

Phúng viếng: Xưa, lễ cúng viếng thường là trầu cau trà rượu, nhưng cũng có người viếng những câu đối, những bức trướng trong đó có nhắc lại cách ăn ở hay tính tốt của người vừa qua đời. Nay, người ta lễ với tiền mặc, nhang đèn, giấy tiền vàng bạc, tràng hoa cườm hay hoa tươi… Xưa, những bức trướng và câu đối phúng viếng được treo ngay ở xung quanh tường vách nơi đặt linh cữu để hương hồn người khuất có thể nhận thấy được, và cũng để những khách tới viếng có thể đọc thưởng thức nghệ thuật văn chương với ý hay, lời đẹp. Ở thôn quê, người trong cùng thôn xóm khi cúng một số tiền để trực tiếp giúp đỡ tang gia lúc cần thiết. Đây là một việc rất thực tiễn. Mọi món tiền hoặc đồ lễ phúng viếng của đều được ghi rõ ràng và được ghi vào quyển sổ, để về sau tang chủ coi theo mà cảm ơn, trả ơn hoặc khi có người nào lâm vào tình cảnh tang chế như mình thì cúng viếng giúp đỡ lại. Đây là một đặc điểm của tương quan giao tế xã hội mà người Việt đã ý thức có từ lâu trong cuộc sống cộng đồng tập thể.

   Tất cả các trai gái dâu rể phải luôn luôn túc trực hai bên linh tọa và linh cữu, vẫn nam tả nữ hữu và phải đáp lễ những khách đến phúng điếu. Linh cữu còn để trong nhà thì khách đến phúng điếu phải lễ hai lạy như đối với người sống, cả gia đình chủ tang mỗi người đáp lại một nữa lễ tức là một lạy. Ngày nay, khách đến viếng mà lạy hai lạy có nghĩa là khi đưa đám, người ấy sẽ đi tiễn đưa người chết đến huyệt mộ hay lò hỏa táng. Còn như người ấy lễ ba lạy thì có nghĩa người ấy bận việc không thể đi tiễn đưa lúc di chuyển linh cữu được.
Chuyển cữu: Trước khi tống tang, phải khiêng linh cữu sang nhà thờ tổ hoặc trước bàn thờ tổ để người chết yết tổ. Chủ tang thực hiện nghi lễ này, rước hồn bạch (di ảnh) sang nhà thờ tổ, làm lễ cáo yết thay người chết lễ bốn lạy. xong, lại rước hồn bạch về linh tọa. Chuyển cữu thì con cháu trong nhà đích thân bắt tay vào khiêng, không để người ngoài là ý nâng giấc người chết như lúc còn sống.

Cáo thần đạo lộ: Ngày đưa đám, trước khi rước linh cữu lên đường người ta làm lễ cáo thần đạo lộ. lễ trầu rượu oản quả hay lễ mặn tùy tâm.

Đưa đám: Xưa hay nói tiếng chữ là phát dẫn.

Nghi thức phát dẫn: Đám tang lớn hành ngơi đi đường thường theo thứ tự sau đây:
+ Dẫn lộ là hai 
phương tướng, đò mã nan tre phất giấy hình mặt dữ tợn, cầm hung khí đi hai bên linh cữu (đặc điểm này theo Trung Hoa)
 + Thứ đến là thể kỳ là bức hoành vải trắng treo trên trước linh tọa, đem căng trên khung, hai bên treo đèn lồng đề chức tước thụy hiệu của người chết. Người qua lại trông thể kỳ biết là đám tang đàn ông hay đàn bà.
+ Kế sau là minh tinh

Nhà trạm: Là trạm ở dọc đường để dừng lại tế điện trung đồ vừa trọng thể lại vừa có ý nghĩa dùng dằng cho thêm chậm việc tống táng để tỏa lòng luyến tiếc. Đến chỗ huyệt lại có một trạm đặt linh cữu dừng lại để tế hạ huyệt.

Hạ huyệt: Trước khi hạ huyết có tế thổ thần. Huyệt đã đào theo hướng thầy địa lý chỉ bảo. Được giờ hoàng đạo thì đặt cữu xuống gọi là hạ huyệt, hay hạ dộng.

Rước về: Đám tang đi một đường về một nẻo, trái với đám cưới đi về phải cùng nẻo. Lúc về phải rước theo thứ tự như lúc đi. Bàn thờ thiết lập nơi trang trọng nhất trong nhà, nhưng không được đặt trong nhà thờ tổ (hay trên cùng bàn thờ tổ).

Tế ngu: Ngu là vui. Tế ngu là làm nguôi lòng đau thương của cha hay mẹ vừa mất, để tỏ lòng hiếu kính cho người được yên vui phần nào. Tế ngu là tế chah ay mẹ, không phải tế thần linh.

Viếng mộ: Liền ba ngày sau khi chôn cất, con cái mỗi buổi sớm đi viếng mộ nhưng bao giờ cũng phải có trưởng nam hay cháu đức tôn (thừa trọng tôn).

Lễ mát nhà: Mời thầy cúng đến bày đàn mũ mã cúng tống hung thần, ném gạo muối tiễn, bùa trấn trạch dán cổng trên nhà cửa buồn để cấm tà ma, cuống gọn bỏ trong ống tre vát nhọn một đầu, cắp nhập xuống đất phía trước mộ chí.

Nhà mồ: Là nhà để che mưa nắng cho người nằm dưới lòng đất.

Cúng cơm: Sau khi chôn cất, suốt một trăm ngày hai bữa cúng cơm.

Thất thất: Cứ mỗi tuần bảy ngày mời thầy cúng về cúng cơm cầu siêu, hết bảy tuần (49 ngày) mới thôi. Cúng ngày thứ bốn mươi chín gọi là tuần tứ cửu, làm lễ tốt khóc, mời bà con, họ hàng nhữn người thân thích đến dự lễ.

Tiểu tường: Là giỗ đầu, một năm sau ngày mất.

Đại tường: Là giỗ hết, hai năm sau dúng ngày mất làm lễ đại tường.

Đốt mã: Ngày rằm tháng bảy đầu tiên sau tiểu tường, làm lễ đốt mã cho vong.

Làm chay: Tin rằng, những người chết phần nhiều vì tiền oan nghiệp chướng, cần làm chay để giải oan tẩy oan, để vong hồn được siêu thoát.

Cải táng: Chôn lúc mới chết gọi là hung táng. Ba bốn năm sau con cái lo cải táng nghĩa là đem hài cốt táng nơi khác, bình dân gọi là bốc mộ. Tùy theo từng nhà mà thực hiện nghi thức cải táng này, có nhiều nhà họ không dùng đến nghi thức này.

Mộ phần: Gồm có hai loại : mộ đất và mộ đá. Ngày nay, có thêm mộ tháp thường dùng trong chùa, các nhà sư trụ trì chùa, người có chức sắc. Tùy theo từng hoàn cảnh gia đình mà người ta cho xây mộ đá hay mộ đất. Mộ đá ngày nay rất đa dạng, trang trí đẹp, cho xây dựng nhà mồ của dòng họ. Ngày xưa, bia mộ được đặt trước mộ (tức là dưới chân người chết) để khi viếng người chết có thể nhìn thấy người đến viếng. Ngày nay, tấm bia được đặt ngay phía trên mộ (tức trên phần đầu nằm của người chết).

   Theo phong tục tập quán từ xưa đến nay, người Việt coi tang lễ và thực hiện các nghi thức trong tang lễ là rất quan trọng, thể hiện nếp sống, văn hóa truyền thống của mỗi vùn miền, dân tộc. Nên luôn thực hiện một cách chỉnh chu và cẩn trọng. Với tất cả các tang ma, việc làm tang ma cho cha mẹ là rất quan trọng, nên luôn cần phải đảm bảo tính linh thiêng, trang trọng và chu đáo.
   Nhiều phong tục tang ma cũng đã thay đổi theo hướng giản lược như tang phục đơn giản hơn trước. Con trai đội khăn tang, không mặc áo tang và không nhất thiết phải có dây rơm mũ bạc ; con gái, con dâu không trùm khăn như trước; cháu chỉ đội khăn; con trai không còn đi lùi trước quan tài của cha hay mẹ. Ngày trước để tang cha mẹ đến 3 năm, nay thì rút gọn còn 1 năm, thậm chí có thể xả tang ngay khi vừa chôn xong hoặc lúc mở cửa mả, do phải đi làm ăn xa hoặc cho bớt nặng nề trong tang chế. Vẫn giữ những nghi thức cần thiết trong tang ma cho tròn chữ hiếu với người đã mất, nhưng cách thức tiến hành trong tập tục này đã theo hướng giản lược, biến hóa một cách linh hoạt, sao cho không nặng nề cho cả người chết lẫn người sống ở lại. Đó cũng là đặc trưng mang tính nhân văn của cư dân, thích nghi với nhịp sống thời đại.

Nguồn: PTTB Tổng hợp

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

XEM TỐT XẤU NGÀY GIỜ MẤT CỦA NGƯỜI THÂN

CÁCH TÍNH CAN CHI LỘC MÃ QUÝ NHÂN

CÁCH XƯNG HÔ VỚI NGƯỜI QUÁ CỐ