BÁO CÁO CHUYÊN ĐỀ 07/01/2017


BÁO CÁO CHUYÊN ĐỀ
VỀ THỜ CÚNG VÀ LỄ BÁI
Tại trung tâm tư vấn tiềm năng con người T/p HCM
304/84 Bùi Đình Túy, P.12, Bình Thạnh.
Ngày 07/01/2017


Kính thưa:  -Các vị Quan Khách
                   -Quý Thầy Cô
                   -Các bạn Hội Viên Câu Lạc Bộ Tiềm năng con người TPHCM.
Tên tôi là: Đỗ Ngọc Tám, Tên khác Trạch Bằng
Phong Thủy Sư, Lương Y, Nhân Điện, Cảm Xạ Học
Trưởng Ban chăm sóc sức khỏe thuộc Trung tâm tư vấn ứng dụng tiềm năng con người T/p HCM.
Thể theo yêu cầu của Ban Giám Đốc trung tâm, tôi xin trao đổi về việc thờ cúng, cách bố trí bàn thờ, chổ thờ, hướng thờ. Đặc biệt là chúng ta đang chuẩn bị đón năm mới Đinh Dậu; Nhân dịp đầu năm mới 2017 tôi xin chúc Qúy vị dồi dào sức khỏe, hưởng trọn niềm vui trong mái ấm hạnh phúc gia đình.

I/- TÌM HIỂU Ý NGHĨA VỀ “CỬU HUYỀN THẤT TỔ”

九玄七祖
   Đa số gia đình Việt Nam dù ở nông thôn, thành thị, nghèo hay giàu đều có bàn thờ tổ tiên hết sức tôn nghiêm đặt chính giữa căn nhà, trên khuôn kiếng lớn nổi lên hai màu đỏ vàng có viết 4 chữ Nho “Cửu huyền Thất tổ” 九玄七祖chính giữa bàn thờ và hai câu đối hai bên: Tôn công thất tổ nghĩa cao thâm. Sùng đức cửu huyền ân thượng trọng 尊功七祖義高深 德九玄恩上重. Dù chưa biết cặn kẽ, nhưng nội dung không ngoài ý nghĩa: Có ông bà, cha mẹ mới có ta và… cây có cội nước có nguồn.
Vậy thờ “Cửu huyền Thất tổ” là thờ những ai?
   Theo bài “Cửu huyền Cửu tộc” của Đào Hữu Chủ thì “Cửu huyền Thất tổ” là chỉ 7 vị tổ cách người cháu hiện tại (người chủ lễ) là 9 đời (tính luôn đời người cháu). Chữ “Huyền” ở đây có nghĩa là đã xa. Cháu đời xa là Huyền tôn, xa nữa gọi là Viễn tôn.
   Trong gia phả thường dùng: Gọi cụ tổ thứ nhất là Thủy tổ, con của thủy tổ là tổ thứ hai, cháu của thủy tổ là tổ thứ ba, tiếp tục đến tổ thứ 4, tổ thứ 5, tổ thứ 6, tổ thứ 7. Xếp ngược lại, ông nội của chủ lễ là tổ đời thứ ba, cụ nội của người chủ lễ là tổ đời 4, kỵ nội của người chủ lế là đời thứ 5... cụ tổ cửu đại đời 9 thì vừa đúng 7 cụ tổ (thất tổ). Do vậy hai chữ “Cửu huyền”có nhiệm vụ bổ nghĩa cho“Thất tổ” để làm rõ bảy vị tổ.
   Còn với ý nghĩa của Thiện Mộc Lan trong bài “Gia lễ Việt Nam với đạo thờ cúng ông bà” thì cho rằng: “Cửu huyền thất tổ” là biểu tượng chung.
   Cửu: chín, thứ chín. Huyền: cháu 4 đời gọi là huyền tôn ở đây chữ huyền có nghĩa là đời, thế hệ. Thất: bảy/ Thất tổ: Bảy ông tổ nhà mình. Thờ “Cửu huyền thất tổ” là thờ Tổ tiên 9 đời của dòng họ.
Nho giáo thời xưa quy định cách thờ Tổ tiên có thứ bậc từ dân đến vua như sau:
- Sĩ và thứ dân chỉ được thờ tới nhất tổ (ông nội).
- Các quan đại phu được thờ tới Tam tổ (ông sơ).
- Hoàng đế (thiên tử) thì thờ tới thất tổ (tức ông sơ của ông sơ)

   Theo quy định này, thứ dân không được thờ Thất tổ. Nhưng muốn thờ những bậc cao hơn thì thứ dân phải thờ “Cửu huyền” tránh dùng chữ “Thất tổ” để khỏi bị tội phạm thượng.
   Từ bản thân đến ông thỉ tổ là chín đời, cho nên mới gọi là “Cửu huyền” lại còn cách xếp và giải thích khác lấy bản thân làm gốc, lên trên 4 đời, dưới 4 đời: 1- Cao tổ (ông sơ) 2- Tằng tổ (ông cố) 3- Nội tổ (ông nội) 4 - Phụ thân (cha) Bản thân. 1- Tử (con trai) 2- Tôn (cháu nội) 3- Tằng tôn (Chắt, cháu cố) 4- Huyền tôn (chít, cháu sơ).
   Như vậy, ta thấy có sự mâu thuẫn, thờ Cửu huyền, cúng lạy Cửu huyền tức là bản thân ta cũng lạy ta và lạy cả con cháu của mình nữa sao? Điều này được lý giải nhiều lẽ: Vấn đề trên chỉ nhắm phân định cho dễ hiểu, trong đó gồm có người sống và người chết,  tượng trưng đủ âm, dương. Gọi như thế để chỉ 3 đời (tam thế) tiếp nối nhau. Đời quá khứ là Tổ tiên. Đời hiện tại là mình. Đời tương lại là con cháu mình. Gọi như thế để hiểu rằng trong cuộc đời còn có sự vay trả. Bản thân mình đứng giữa, vay lớp trên 4 đời, trả lớp dưới 4 đời. Cũng từ ý nghĩa trên, bản thân ta, xuất phát từ những việc làm tốt hay xấu đều có ảnh hưởng đến Tổ tiên, đời trước mình, đồng thời cũng ảnh hưởng đến con cháu, đời sau mình.
   Còn theo Tiến sĩ Lê Mạnh Thát (Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh) thì “Cửu huyên thất tổ” được biên khảo từ tác phẩm Sự Lý Dung Thông viết bằng thể thơ song thất lục bát của Thiền sư Hương Hải được ghi trong Toàn tập Minh Châu có đề cập bốn chữ này trong câu:
               Thích độ nhân miễn tam đồ khổ
               Thoát cửu huyền thất tổ siêu thăng.

Nghĩa là: Giáo lý đức Phật Thích Ca hóa độ chúng sinh để thoát khỏi ba đường khổ: Đại ngục, ngạ quỷ, súc sinh và có khả năng cứu thoát Cửu huyền và Thất tổ được siêu thăng.Cửu huyền: “Huyền” ở đây vốn có nghĩa theo nhà Phật là “đen”, có từ vô lượng kiếp chúng sanh luân hồi sống chết, khi thân xác này rã rời, phân ly trả về cho tứ đại, những chất tinh tủy xương máu và thịt tan rã, hủy hoại đều biến thành màu đen nên gọi là “Huyền”. Bởi chín thế hệ này vẫn xoay, sống chết như vậy nên gọi là “Cửu Huyền”.
  Thất tổ: Bảy đời (bảy ông tổ): Cao, Tằng, Tổ, Cao Cao, Tằng Tằng, Tổ Tổ, Cao tổ. Tổ là ông nội của đời mình, đi ngược lên sáu đời nữa gọi là Thất tổ. Như vậy, chữ Cửu huyền bao quát hơn chữ Thất tổ. Vì Thất tổ chỉ các thế hệ đi trước, còn Cửu huyền không chỉ bốn thế hệ trước mà còn nhắc đến bốn thế hệ sau. Chính vì vậy nơi thờ phụng những vị quá vãng còn được gọi là “Nhà thờ Cửu huyền”.
   Dù hiểu theo nghĩa nào chăng đi nữa, thì bốn chữ “Cửu huyền Thất tổ” không ngoài ý nghĩa bổn phận làm con cháu phải kính trọng, khắc sâu trong tâm khảm nhớ ơn ông bà cha mẹ.
                Nước chảy ra thương cha nhớ mẹ 
                Nước chảy vào nhớ mẹ thương cha.

   Dù lịch sử trải qua bao thăng trầm, dù chiến tranh cướp mất nhiều nhà cửa, nơi thờ tự Tổ tiên, nhưng với lòng hiếu kính ông bà cha mẹ luôn được giữ gìn sâu lắng. Đây là niềm tự hào, người Việt Nam luôn biểu hiện lòng tôn trọng, nhớ ơn Tổ tiên, cha mẹ nhiều đời, nhiều kiếp qua việc thờ cúng. Từ lâu các vua chúa thường đi Tế giao (cúng trời đất) ở một nơi được xem là linh thiêng, hoặc cúng tổ tiên bên trong Thái miếu. Nền văn hóa Việt Nam từ thời cổ, trung đại cũng vậy. Các vua thường đi cúng tế nơi Thái Miếu, Người dân dã thì thờ cúng tại nhà và hàng năm làm lễ cúng giỗ. Nền văn hóa tinh thần này đã được duy trì, phát huy trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Đó là bàn Thờ “Cửu huyền Thất tổ” hàng đêm luôn hương khói bàn thờ “Cửu huyền thất tổ” trước để nhớ Tổ tiên, ông bà, cha mẹ, sau hồi hướng trong một ngày mình làm được điều gì tốt và điều gì chưa tốt, cần phải sửa đổi, đó cũng là cách “Uống nước nhớ nguồn”. “Cây có gốc mới đâm chồi xanh ngọn. Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu”. Chúng ta nên nhớ từ mọi ý nghĩ, việc làm, bản thân (thân, khẩu, ý) luôn ảnh hưởng đến “Cửu huyền Thất tổ” trong hiện tại, tương lai cũng như quá khứ.

II/- BÀN THỜ GIA TIÊN

   Phong tục Việt Nam, mỗi gia đình đều có bàn thờ gia tiên để thờ cúng tổ tiên, nguồn cội nhằm tưởng nhớ tới những người đã khuất. Chúng tôi xin đưa ra một số hình ảnh và lưu ý về việc lập ban thờ theo phong tục của người Việt.
   Thông thường trong nhà người ta có các bàn thờ : Bàn thờ Phật , bàn thờ Thần linh và gia tiên , bàn thờ ông Địa - Thần Tài , bàn thiên ngoài trời (thờ những người “khai thiên lập địa” ) còn gọi là thờ 9 phương Trời , 10 phương Phật , ngoài ra tùy gia chủ có thêm các ban thờ Mẫu , ông Hoàng , bà Chúa , các Cô , các Cậu hay thờ 5 Ông...

Bàn thờ Phật: 
   Thường được lắp đặt nơi cao nhất trong phòng thờ của gia đình , trên bàn thờ có ảnh của vị Phật mà mình muốn thờ. Chính giữa có bát nhang hay lư trầm . Bên cạnh có bình bông và đĩa trái cây , 3 ly nước , cặp đèn cầy hay đèn điện . Tuyệt đối không được đặt đồ lễ mặn và giấy tiền vàng bạc trên bàn thờ Phật . Khi cúng Phật phải dùng đồ chay.

Bàn thờ Thần linh: 
   Thường được đặt chung với bàn thờ Gia tiên. Bát nhang thờ Thần linh đặt chính giữa và cao hơn hai bát nhang còn lại . Đằng sau bát nhang có lư đồng sau nữa là bài vị thờ Thần . Thường chỉ có một chữ Thần hay chữ Thần Tiên Linh ứng. Thần linh ở đây bao gồm : Quan đương Niên hành Khiển hàng năm , Thành Tào Phán Quan , Ngũ phương Ngũ Thổ Long Thần , Tiền hậu Địa chủ Tài Thần , Thần hoàng bản xứ , Thần Hoàng Bản Cảnh , Ngài bản xứ Thần linh Thổ địa .  Ngài định Phúc Táo quân  . Ngài Phúc Đức chính Thần . Các Ngài Ngũ Phương , Ngũ Thổ , Long mạch tài Thần . Ngài Bản Gia Táo Quân . Các ngày Địa Chúa Long mạch Tôn Thần và các Thần linh cai quản trong khu vực... Phía trước cũng có 3 ly nước trên một cái khay.

Bát hương thờ Cửu Huyền Thất Tổ: 
   “Một nước không có hai vua, một nhà không thờ hai họ”; tích xưa có câu “Bác mẹ thiếp cũng như bố mẹ chàng, nên chăng bia đá, ngai vàng thờ chung. Chàng rằng: Tạc bia thì anh tạc, nhưng thờ chung thì anh không thờ”.
   -Tức là tứ thân phụ mẫu nhiều đời nhiều kiếp của cả bên nội và bên ngoại (được hiểu rằng nội, ngoại của người đã khuất mà ta gọi là ông bà ngoại đẻ ra mẹ mình “bà Nội”).
Bát hương này thờ tất cả các Đời của dòng họ nội ngoại. Thậm chí có nhiều bát hương linh thiêng có thể nối nhịp cầu với vài chục đời. Bát nhang Cửu Huyền Thất Tổ được đặt ở phía bên trái bàn thờ “ thuyết Thanh long Bạch hổ, tức đặt bên Thanh Long (bên Trái Tim)”. Phía sau thường đặt bài vị hay ảnh thờ . Phía trước cũng có 3 ly nước trên một cái khay, hay đế đặt 3 ly bằng đồng.
   -Để phù hợp với hoàn cảnh con cái ở xa quê, thậm chí nhà không có anh em trai, mà bên đường vợ muốn thờ cúng khi cha mẹ đã khuất thì ta có thể lập thêm bàn thờ riêng cho bên vợ, nhưng không được cùng hướng với bên nhà chồng, và bàn thờ phải thấp hơn” Vd: 2 phân là thấp rồi...” Bàn thờ luôn luôn quay mặt ra mặt tiền bất kể hướng gì! Nếu gặp hướng nhà xấu thì dùng hướng bếp để điều chỉnh; Trong phong thủy kỵ phòng thờ phía sau, phòng ngủ phía trước, hoặc bàn thờ quay lưng ra mặt tiền . Bàn thờ bên vợ nên bố trí quay ngang nhà nhưng phải chọn đặt ở vách âm (vách tỉnh) của căn nhà. 
Bát nhang Bà Cô Tổ 
   Bát nhang Bà Cô - Ông Mãnh Tổ dùng để thờ những người chết trẻ, chưa vợ, chồng thường là tứ đại của bên nội. Thông thường trong số đó thường có một Bà Cô Tổ hay Ông Mãnh Tổ rất linh thiêng , thường theo phù hộ cho con cháu . Trong những buổi gọi hồn, thường các vị này xin ra đầu tiên rất linh thiêng. bát nhang của Bà Cô Tổ được đặt ở phía bên tay phải bàn thờ. Phía trước cũng có 3 ly nước trên một cái khay. Nếu đặt một bình bông riêng cho bát nhang Bà Cô thì phải là hoa màu trắng, tượng trưng cho sự tinh khiết của họ vì chết trẻ, nên có bánh kẹo còn cau trầu nếu có thì để bên Gia tiên dòng họ.
Cúng lễ:
   Người ta thường cúng lễ vào các dịp giỗ, tết, tiết ... Bàn thờ Gia tiên nói chung có thể cúng mặn hay chay, nhưng kết cấu vẫn như ở trên.
   Khi cúng thường có các đồ lễ như : Hoa quả, Trầu , cau , rượu, giấy tiền vàng bạc thật và giả , đèn, nến,.. Có thêm 3 ly trà , 3 ly rượu , 3 ly nước để tượng trưng cho Tam tài :
Thiên :           Có Nhật    -    Nguyệt   -   Tinh tú
Địa    :            Có Thủy   -      Hỏa      -    Phong
Nhân :            Có Tinh    -      Khí       -    Thần
   Nếu thắp đủ thì có 9 ngọn nến, 2 ngọn đặt trước tượng trưng cho Nhật - Nguyệt , 7 ngọn để ở hàng sau tượng trưng cho Thất tinh là chòm sao bắc Đẩu - Quê hương, cội rễ của loài người. Trong các lần cúng nên có sớ để tâu trình.
Lưu ý:
   -Các bát nhang có thể dùng keo 2 mặt dán chặt vào bàn thờ để tránh trường hợp khi lau chùi bị động bát nhang, khó làm ăn.
   -Chân nhang chỉ nên rút bớt vào ngày 23 tháng chạp và hoá cùng tiền giấy vàng .
   -Khi hoá vàng nhớ đổ vài ly rượu vào để khí bốc lên (tương tự như ta phải trả phí khi gửi bưu phẩm). Không dùng nước để dập lửa khi đốt vàng mã.
   -Nên thắp mỗi bát một nén nhang lúc bình thường (cắm vào giữa ); Thắp 3 nén hàng ngang khi cầu xin điều gì? Thắp 5 nén hình chữ thập trong các ngày giỗ, tết, tiết.

III/- KÍCH THƯỚC BÀN THỜ
   Hiện nay, hai loại ban thờ được sử dụng phổ biến nhất là ban thờ treo tường và tủ thờ. bàn thờ bốn chân. Khi chọn bàn thờ các kích thước bạn cần quan tâm đến là chiều rộng, chiều sâu và chiều cao. Các kích thước này không theo một quy định cụ thể nào mà tùy
 thuộc vào không gian rộng hẹp của phòng ốc để lựa chọn "số đo" lớn nhỏ khác nhau. Tuy vậy theo phong thủy, bạn nên lựa chọn các kích thước trên sao cho các kích thước này rơi vào các cung "cát" của thước Lỗ Ban là đạt yêu cầu.
   Với tủ thờ thường có các ngăn để Gia Phả và các vật dụng thờ cúng rất thuận tiện. Các loại tủ thờ đồ gỗ mỹ nghệ thường được đóng theo kích thước Lỗ Ban với chiều cao thống nhất chung là 1,27m, chiều rộng có các kích cỡ là : 1,27m, 1,53 m, 1,75m,  1,97 m tùy theo kích thước không gian phòng thờ bạn có thể lựa chọn kích cỡ tủ thờ cho phù hợp.
   Kích thước của bàn thờ treo tường được lựa chọn theo các cung đẹp, mang ý nghĩa cát lợi cho chủ nhà trong thước Lỗ Ban như: Đại Cát, Tài Vượng, Tiến Bảo, Quý Tử, Phú Quý... Đó như là một lời cầu khẩn được chủ nhà thông qua vật dùng nội thất thờ cúng gửi gắm đến thế giới tâm linh xa xôi với mong muốn được  bảo hộ về mặt sức khoẻ, gia đình, công việc... gặp nhiều thuận lợi.
Bàn thờ treo tường có một vài kích thước phổ biến theo thước lỗ ban như sau:
Loại treo tường Sâu 480 mm (Hỷ Sự) x Rộng 810 mm (Tài Vượng)
Loại Sâu 480 mm (Hỷ sự) x Rộng 880 mm (Tiến Bảo)
Loại Sâu 495mm (Tài Vượng) x Rộng 950 mm (Tài Vượng)
3 loại này là sự lựa chọn cho không gian thờ cúng của gia đình. Diện tích không gian nhỏ dưới 25m2. Phù hợp với  các loại hình được thiết kế giành riêng cho những gia chủ có nhu cầu  bố trí 01 bát hương và bày các đồ lễ khác đi kèm trên bàn thờ nhưng không quá nhiều.
Treo tường loại lớn  Sâu 560 mm (Tài Vượng) x Rộng 950 mm (Tài Vượng)
Bàn thờ treo tường này được thiết kế cho những không gian phù hợp với những  gia chủ có nhu cầu bày 03 bát hương và các đồ lễ khác vừa phải trên bàn thờ.  Diện tích không gian phù hợp: 25-30m2.
   Loại Sâu 610 mm (Tài Lộc) x Rộng 1070mm (Quý Tử)
Với kích thước này, ngoài bát hương, bàn thờ  còn có thể để được những vật thờ cúng cần thiết như: Lư hươngbộ ngũ sựmâm bồnglọ hoa,... Diện tích không gian phù hợp: trên 30m2.
   Trên đây là một số  kích thước bàn thờ treo tường thông dụng được lấy theo phong thủy thước Lỗ Ban, nhằm mục đích mang lại sự may mắn, cát lợi cho gia chủ. Ngoài bàn thờ ra, để chọn được bộ đồ thờ cúng chất lượng và ý nghĩa cũng không phải là điều dễ dàng.
Những điều lưu ý: Bàn thờ hay Bếp cũng vậy; Chiều cao thường theo với chủ nhà cao thấp để lựa chọn kích thước phù hợp. VD: Bàn thờ treo tường là phải cao hơn đầu người cao nhất trong nhà (không đụng đầu), khi thắp hương chỉ cần đặt 1 ghế đẩu cao tiêu chuẩn 45 cm là thắp được (cao quá dễ tai nạn đặc biệt với người già).
-Người ta quan niệm bàn thờ thấp, vừa không phải với « giói » làm ăn dễ dàng, thuận lợi, (sự phấn đấu chỉ cần vừa đủ no ấm là được).
-Mặt bếp thì cao qua rốn là được (lấy cao thấp của người đứng nấu), thấp quá cho rằng không sạch sẽ.. cao quá nguy hiểm khi nấu nướng “ độ tai nạn do bỏng cao”.

 IV/- KINH NGHIỆM VÀ THỰC HÀNH PHONG THỦY CỦA TÔI
                         
Nơi thờ, hướng thờ:
   Nơi thờ thường gọi là gian trung chính giữa nhà với kiểu nhà ngang ta thường thấy ở miền quê, “nhà ngói, sân gạch”.
   Ở thành phố nhà xây theo kiểu nhà ống, thường được bố trí ở phòng khách; hoặc phòng riêng trên lầu.
-Bàn thờ chính trong nhà đều phải quay ra mặt tiền.
-Bên Ngoại nếu thờ thì tách riêng không thờ chung với bên Nội và khác hướng (tức thờ ngang nhà).
-Bàn thờ Phật trên cao thường quay ra như ban thờ chính. (Phía trước tất cả các bàn thờ không được phơi phong, đặt để vật dụng ô uế, không đẹp mắt..).
-Bàn thờ Thần tài Thổ địa căn cứ dòng khí để đặt đón khí tụ tài.
-Bàn thờ Ông táo trong gian bếp hướng nào cũng được.
-Phòng ngủ không được trước ban thờ và kị sau bếp.

Những lưu ý:
-Khi đi chùa, nếu không thật sự cần thiết thì ta không mang lộc về dễ bị ma tà theo về, nhất là hoa quả héo.
-Phong Thủy không dùng cành vàng lá ngọc chưng trên bàn thờ, biểu hiện sự vàng úa chết chóc, hoa bất tử, hoa nhựa cũng vậy; có chăng chỉ để trong ngôi nhà mồ.
-Đầu năm đi hái lộc, ngắt 9 búp non la1 gì cũng được bỏ vào dĩa đặt lên ban thờ (sáng mùng một hái lúc còn sương là tốt nhất).
-Xuất hành đầu năm nếu sợ đi sai hướng, thì ta đi đến chùa trước rồi mới đi.
-Trong năm xui tháng hạn cần đi xa giải quyết công việc cần ta mang theo “bùa giao thông và lá phép chống tà” là thông đồng bén giọt.

Vái và xá:
+Gia tiên 4 vái tượng trưng cho 4 đời ở trên mình.
+Phật, Thần tài, Thổ địa, Thờ 5 Ông, Chúa,  Mẫu, Thờ Tổ… Nam 7; Nữ 9 vái (hoặc vái đủ theo tuổi của mình).
+Đình, Đền, Chùa, Miếu mạo…  3 vái.
+Đám ma :  2 vái là còn trở lại để đưa tang
                    3 vái có thể trở lại hoặc không đến đưa tang
                    4 vái là không trở lại nữa.
Chú ý: -Khi đến Đình, Đền, Chùa, Miếu mạo, thắp hương vái, xá các vị Phật, Thần linh khi đứng vái xá Nam nhịp chân trái, Nữ nhịp chân phải. Đến những nơi linh thiêng này nên thắp hương. -Khi có nhu cầu mua sắm Lư Đồng: 
Loại chiều cao 2 tấc thông dụng cho thờ vọng
                         3 tấc thờ Tam Đại (3 Đời)
                         4 tấc thờ Tứ Đại    (4 Đời)
                         5 tấc thờ Ngũ Đại  (5 Đời)…


Cuối cùng xin trân trọng cám ơn các quý vị đã chú ý lắng nghe phần trình bày của tôi
Xin chúc quý vị sức khỏe – hạnh phúc – có niềm vui mới, trong năm mới .




Đỗ Ngọc Tám – Trạch Bằng
Phong Thủy Sư, Lương Y, Nhà Cảm Xạ Học, Nhân Điện
Trưởng ban chăm sóc sức khỏe
Thuộc Trung Tâm Tư Vấn Tiềm Năng Con Người T/p HCM
ĐT:   0913.107.194 – 0978.046.529 – 0932.153.031
------------




Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

XEM TỐT XẤU NGÀY GIỜ MẤT CỦA NGƯỜI THÂN

CÁCH TÍNH CAN CHI LỘC MÃ QUÝ NHÂN

CÁCH XƯNG HÔ VỚI NGƯỜI QUÁ CỐ