NGUYÊN TẮC CƠ BẢN VÀ PHƯƠNG PHÁP VẬN DỤNG TRONG VIỆC CHỌN NGÀY

Nguyên tắc cơ bản và phương pháp vận dụng trong việc chọn ngày

   Quyển 10 trong “Hiệp kỷ biện phương thư” viết về nguyên tắc tuân thủ khoa trạch cát của người xưa như sau:
“Khi cát đủ để thắng hung: Theo điều nên làm mà không theo điều kiêng kị. Khi hung, cát ngang nhau: vẫn phải kiêng việc hỷ. Nếu cát không đủ thắng hung: theo điều kiêng kị mà không theo điều nên làm”.
   Có nghĩa là, trong một ngày, có đủ cả cát thần và hung thần. Xét về số lượng cát thần nhiều là ngày cát, hung thần nhiều là ngày hung. Ngày cát thì theo điều nên làm. Ngày hung thì theo điều kiêng kị. Xét về sức mạnh, nếu cát thần có sức mạnh thắng được hung thần thì ngày đó là ngày cát, sẽ theo những điều nên làm. Ngược lại, nếu khí thế của hung thần áp đảo cát thần, thì ngày đó là ngày hung, sẽ theo những điều kiêng kị.
   Nếu gặp trường hợp giữa hung thần và cát thần không những có số lượng ngang nhau, mà sức mạnh cũng tương đương thì vẫn phải kiêng những việc “hỷ” như kết hôn, mở chợ, mở cửa hàng, xây dựng động thổ, thăng quan nhậm chức còn những việc mai táng, dỡ nhà đảo mái thì có thể làm; Như vậy là không phải hễ cứ gặp hung là sát, không xem xét mức độ thế nào, cứ nhất luật kiêng kị.
   Ngoài nguyên tắc cơ bản nêu trên, trong thực tiễn lâu dài khi tiến hành trạch cát, người xưa đã sáng tạo ra rất nhiều phương pháp linh hoạt. Xin dẫn mấy ví dụ:
Phương pháp xử trí linh hoạt khi gặp: “Mọi việc đều không nên làm”.
   Trong sách nói “Mọi việc không nên làm” là nói trong ngày đó hung thần vượt trên cát thần cả về số lượng và sức mạnh, cát không thắng nổi hung, nên “Mọi việc đều không nên làm”. Nếu có việc gấp, không thể đợi đến ngày cát, ta có thể linh hoạt chọn 1 giờ tốt trong ngày đó để tiến hành công việc, nếu gặp bệnh nguy cấp cần cứu chữa ngay không thể đợi được giờ tốt thì làm thế nào? lúc này, có thể chọn một hướng tốt, theo hướng đó để tìm thầy tìm thuốc, cũng có thể được.

Phương pháp “tứ tung ngũ hoành”.

   Sách nói: khi có việc cấp bách, không kịp chọn ngày, thì làm theo phương pháp sau: khi sắp ra đi khỏi cửa, hai đùi sát nhau đứng thẳng, gõ răng (hai hàm răng đánh vào nhau 36 lần, sau đó dùng ngón cái của tay phải vạch xuống đất, trước hết vạch 4 dọc (tứ tung), sau đó vạch 5 vạch ngang (ngũ hoành) như hình vẽ. Vạch xong niệm chú 7 lần như sau:

“Tứ tung ngũ hoành
Tôi nay xuất hành
Vũ Vương bảo vệ
Xuy vưu tránh đường
Giặc cướp ngừng hoạt động
Hổ lang không hoành hành
Tất cả phải quay lại
Chặn đường ta sẽ chết
Chống lại ta sẽ nguy.
Cấp cấp như Cửu Thiên Huyền Nữ luật lệnh.
Sắc”.
   Niệm chú xong, lấy đất đổ đè lên những vạch ngang dọc đó, rồi lập tức khởi hành. Trong khoảng 100 bước chân không được ngoái đầu lại. Làm như vậy sẽ được bình an vô sự.

Phương pháp linh hoạt khi dựng nhà:

   Sách trạch cát nói: Muốn xây nhà nhất định phải có điều kiện: Năm sinh, tháng đẻ và phương vị điều lợi mới được. Nếu không lợi nhưng lý do nào đó nhất định phải làm, có thể vận dụng phương pháp dời chổ ở. Nếu đứng từ chổ ở mới dời đến, nhìn về nơi định dựng nhà được hướng tốt thì vẫn dựng nhà được;
   Thí dụ: Tuổi của bạn xây nhà ở phía Tây thì lợi, xây nhà ở phía Đông thì không lợi, nhưng bạn lại muốn xây nhà ở vị trí phía đông nhà bạn đang ở. Vậy bạn hãy tạm dời chổ ở đến một vị trí phía đông nơi bạn định xây dựng nhà. Làm như vậy, tại chổ ở tạm mới, nhìn về nơi định xây dựng sẽ là Tây, và bạn sẽ thực hiện được việc xây dựng theo ý định một cách đại cát đại lợi. Điều thứ hai khi xây dựng nhà, tuổi của chủ nhà không hợp với việc làm nhà, có thể chọn trong số con em một người có tuổi hợp với việc làm nhà, dùng tên người đó mà khấn thần linh, sẽ tiến hành xây dựng. Khi xây dựng xong, dọn vào nhà mới, sẽ biện lễ tạ lỗi với thần linh, sẽ được vô sự.
   Người xưa có nhiều con, nói chung bao giờ cũng chọn được người con hợp tuổi. Phàm việc xây dựng nhà, nên bắt đầu sau tiết Đại Hàn năm ngày, hoàn thành trước tiết Lập Xuân, sẽ không phải kỵ các hung thần như Thái Tuế, Khai Sơn Lập Hướng, Niên Nguyệt Khắc Sơn Gia và các hung thần khác. Vì vào khoảng thời gian ấy, đúng vào lúc giao thừa giữa năm củ, năm mới, các thần sát bận giao ban, tranh công đòi thưởng, say sưa chè chén, không có thời gian để ý đến việc trần thế, nên người ta có thể lợi dụng việc sơ hở đó.
   Song từ Lập Xuân, các thần sát đã giao ban xong phương vị của từng thần đã định rõ, nên không thể động thổ một cách khinh suất. Đương nhiên, nếu ở phương vị muốn xây dựng không có hung thần, thì cứ tiến hành không có trở ngại gì.
   Ngoài ra, nếu không may nhà cửa gặp hỏa tai, thì có thể khởi công xây dựng lại trong khoảng 7 ngày sau đó gắng hoàn thành tròn 15 ngày mà không cần xem xét thần sát cát hung ra sao. Vì người ta nghĩ rằng thần sát cũng giống như con người, đều có lòng trắc ẩn, không nỡ nào trong lúc người ta gặp nạn mà giáng thêm tai họa.

Phương pháp linh hoạt khi an táng

   Có hai loại. Một là “Thừa Hung” mai táng (mai táng luôn nhân lúc hung): Khi người vừa chết, không để lâu, nhân lúc hung đem táng luôn thì gặp hung thần cũng không hại gì. Cho nên đại đa số trường hợp thời xưa, trong khoảng 3 ngày hoặc một tuần sau khi có người chết, không xét tới Khai Sơn Lập Hướng hoặc Niên Nguyệt Thần Sát, chỉ chọn ngày giờ tốt là đào huyệt đắp mộ trong ngày. Đến tiết Thanh Minh năm sau, sửa và tạ mộ trong ngày là được. Hai là “Thừa loạn” mai táng (mai táng trong lúc đang “loạn”) tức là chọn ngày đào huyệt an táng trong khoảng 5 ngày sau Đại Hàn đến trước tiết lập xuân, có thể không kỵ Khai Sơn Lập Hướng, Niên, Nguyệt, Nhật, Thời Khắc Sơn Gia và các hung thần năm tháng. Lý lẽ của việc làm này giống như việc làm nhà đã nói ở trên, là lợi dụng sơ hở khi thần sát đang giao ban.
   Nhưng nhất định phải sửa và tạ mộ trước tiết Lập Xuân hoặc tiết Hàn Thực. Thanh Minh năm sau. Với những mộ đã an táng, thì việc vun đắp đất trồng cây, xây bục bát hương, hoặc sửa những chỗ đất sụt lở, đều có thể làm trong dịp Hàn Thực Thanh Minh mà không cần xét tới Klhai Sơn Lập Hướng và năm tháng ngày giờ. Bởi vì lúc đó các thần sát bận hưởng thụ tế lễ, đáng giá lễ vật hậu bạc của mỗi nhà và thưởng thức lễ vật, nên không chú ý và chẳng cần thiết đoái hoài đến việc sửa mộ của người trần, vì như vậy có lọi cho các thần hơn.

Phương pháp linh hoạt khi đón dâu

   Nếu chọn ngày kết hôn giá thú châu đường được ngày tốt nhưng lại kị với bố mẹ chồng, không có lợi cho bố mẹ chồng (tức bố mẹ chú rể) thì bố mẹ chồng có thể tránh lúc cô dâu bước vào nhà, đợi đến khi cô dâu đã ngồi lên giường mói quay về nhà, sẽ không phải lo ngại gì.
   Nhưng có một số ngày hung thần ác sát, không có cách nào linh hoạt tránh né được. Gặp những ngày đó, đành phải nghiêm chỉnh kiêng kỵ. Không được khinh xuất làm bất kỳ việc gì. Những ngày đó là:
   Bách sự kỵ, cũng gọi là Dương công kỵ gồm 13 ngày, là: Mồng 3 tháng giêng, 11 tháng hai, mồng 9 tháng ba, mồng 7 tháng tư, mồng 5 tháng năm, mồng 3 tháng sáu, mồng 1 và 29 tháng bảy, 27 tháng tám, 25 tháng chín, 23 tháng mười, 21 tháng một, 19 tháng chạp. Theo giải thích, trong 13 ngày đó thần thánh đặc biệt chú ý giám sát trần gian, cực hung, cực xấu, mọi việc đều không được làm. Vì vậy, gọi là Bách kỵ nhật, Sách Xuất hành bảo kính của Võ Danh Thị Đời Hán có dẫn ca dao dân gian về những ngày hung trên như sau:

Thánh thần phải xuống mười ba hôm
Mọi việc cần phòng nhiều tổn thất
Xây cất nhà cửa, dựng công trình
Không gặp hỏa tai cũng cướp trộm
Kết hôn, giá thú đều không nên
Cuộc sống suốt đời khó hòa hợp
Người dưới trần gian những ngày này
Thấp tha thấp thỏm sống nơm nớp
Ma chay tống táng những ngày này
Đời đời con cháu đi ăn mày
Thăng quan nhậm chức những ngày này
Mọi điều rắc rối đến không ngơi.

   Những ngày hung kiến, phá. Các nhà lịch pháp thuộc Âm Dương Gia đều nói rằng: Phàm vào những ngày có Nuyệt Kiến, Nguyệt Phá, Thiên Cương, Hà Khôi, mọi việc đều đại hung, tuy có cát thần, cũng không tiến hành được việc gì. Những lịch thư hiệu lưu hành ở Hồng Kông, Đài Loan, nếu gặp những ngày Kiến, Phá đều có ghi chú: “ngày có Nguyệt Kiến, (Nguyệt Phá) là những ngày đại hung mọi việc đều không nên làm”.

   Trong những ngày hung Bách sự kỵ ghi trong Cù Tiên Triều hậu kinh còn kể những ngày Ngũ hành vô khí, Băng tiêu ngõa giải, Diệt môn đại họa, Thiên địa tranh hùng thụ tử, Can chi vô khí v.v.. Trong tập quán trạch cát của nhân dân , còn có Thiên địa chuyển sát nhật, Lãnh bại nhật ám kim nhật (Trong ám kim nhật còn chia ra tứ quí ám kim nhật, Thiên la ám kim nhật, Phục đoạn ám kim nhật, v.v...), Thiên tặc địa tặc nhật, Tứ quí đại bại nhật v.v.. là những ngày đại hung đại ác, những ngày đó không được làm việc gì chỉ có ngồi nhà thắp hương cầu khẩn để tiêu trừ tai nạn.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

XEM TỐT XẤU NGÀY GIỜ MẤT CỦA NGƯỜI THÂN

CÁCH TÍNH CAN CHI LỘC MÃ QUÝ NHÂN

CÁCH XƯNG HÔ VỚI NGƯỜI QUÁ CỐ