ĐỊA THẾ ĐẤT

 

ĐỊA THẾ ĐẤT

***

Đây là yếu tố tiên quyết đầu tiên. Người xưa từng nói: "Địa linh nhân kiệt". Điều đó nói lên rằng con người ta sinh ra trên đất, phải chịu ảnh hưởng của đất. Trong Vân đài loại ngữ của nhà bác học Lê Quý Đôn có viết:

"Khí núi sinh nhiều con trai, khí đầm sinh nhiều con gái, khí nước sinh nhiều người câm, khí gió sinh nhiều người điếc. Khí rừng sinh nhiều người yếu đuối, khí cây sinh nhiều người còm lưng, khí đá sinh nhiều người mạnh mẽ. Khí ở dưới thấp sinh nhiều người bệnh thũng. Khí hiểm sinh nhiều người bại xuội. Khí hang núi sinh nhiều người bệnh tê thấp, khí đồi sinh nhiều người khùng. Khí rộng rãi sinh nhiều người nhân từ. Khí gò đống sinh nhiều người tham lam. Khí nắng sinh nhiều người chết yểu. Khí lạnh sinh nhiều người sống dai. Đất nhẹ sinh nhiều người lanh lợi, đất nặng sinh nhiều người chậm chạp. Người ở chỗ nước trong thì có tiếng nói nhỏ nhẹ, người ở chỗ nước đục thì có tiếng nói to. Người ở chỗ nước chảy xiết thì nhẹ nhàng, người ở chỗ nước chảy chậm thì nặng nề.”

Đây toàn là những điều đã suy cùng vật lý. Giữ thuyết này mà suy luận thì không có điều gì mà không hợp. Trong đời sống, dân gian cũng thường nói: “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”. Điều đó nói lên sự tác động và chi phối của địa linh đối với con người.

Theo khoa Địa lý học thì thế đất đẹp phải là thế đất đảm bảo:

Đối với miền bình dương (đồng bằng) thì phải cao ráo, thoáng đãng, có nhiều sông hồ ao ngòi sạch sẽ lưu thông. ở bình dương tối kỵ đất trũng, ẩm thấp, sống ở đó sẽ sinh nhiều tai họa bệnh tật. Ngược lại đối với miền sơn cước (núi) thì phải chọn nơi thung lũng, kín gió để ở, như thế khí mới tụ mà không tán. Nếu ở miền sơn cước mà lại chọn nơi cao, đỉnh núi quanh năm gió thổi hun hút thì tai hoạ ập xuống ngay.

Địa thế đất phải bằng phẳng, đầy đặn, vuông vức, phía trước thấp, sau cao. Tối kỵ lồi lõm, khuyết hãm, tan lở. Nếu được địa thế hình Kim, hình Mộc, hình Thổ là tốt. Tối kỵ hình Thủy, hình Hỏa, đặc biệt những thế đất sắc lạnh như lưỡi dao, những thế đất chạy dài nhọn hoắt như lá cờ đuôi nheo thì vô cùng hung hãn.

Địa thế đất phải thoáng không bị chèn ép, khuất lấp, nếu được như thế là tốt nhất. Nếu địa thế đất nhỏ hẹp, lại bị bốn phía bao vây, chèn ép khuất lấp, che chắn thiếu ánh sáng và khí trời thì xấu. Mặt khác cũng còn đòi hỏi phải có một môi trường trong sạch lành mạnh, không bị khí độc hại hay ô nhiễm. Phải đảm bảo sự yên tĩnh nhất định. Sự ồn ào quá cũng dễ dẫn tới bệnh tật.

Còn một yếu cấu hết sức quan trọng nữa là địa thế đất phải đảm bảo xây dựng được nhà phù hợp với phương sinh vượng khí. Tức là phù hợp với phương khí đến.

Phương khí đến hay còn gọi là "Bản Quái Cục" là nơi thiên khí bốc lên từ đó. Đối với thế đất có long mạch thì phương khí đến chính là Đốt long nhập thủ, trường hợp thế đất không có long mạch thì dụng phép "Thoát long tựu cục" mà định phương khí đến - Bản quái cục. Theo phép thoát long tựu cục thì để tìm được phương khí đến phải căn cứ vào địa hình địa thế xung quanh ngôi nhà, lấy chỗ kiến phá giao tranh đối cung mà định Bản quái cục. Như phương Tốn là kiến phá giao tranh thì Càn là Bản quái cục - phương khi đến. Phương Ly là kiến phá giao tranh thì Khảm là Bản quái cục. Đoài là kiến phá giao tranh thì Chấn là Bản quái cục...

Kiến phá giao tranh là nơi địa thế cao thấp gặp nhau, nơi âm dương giao hòa ngũ hành tương tác, là nơi trọng yếu nhất của một thế đất. Vì vậy đó là nơi tĩnh trong động, động trong tĩnh, ngạch trung thủ nhuyễn, nhuyễn trung thủ ngạch. Một địa hình như thế thì khí từ đó mà ra.

Nếu phương khí đến là phương Khảm (Bắc) thì nên làm nhà hướng về phía Bắc, Tây Nam, Đông Nam. Trong đó hướng Bắc và Tây Nam là hướng sinh khí, hướng Đông Nam là hướng tài khí. Kỵ phương Nam.

Nếu khí đến từ phương Cấn (Đông Bắc) thì nên làm nhà hướng về phía Đông Bắc (vượng khí), hướng Tây Bắc (sinh khí), hướng Tây (tài khí). Kỵ hướng Bắc, Nam và hướng Tây Nam.

Nếu nhà khí đến từ phương Chấn (Đông) thì nên làm nhà hướng về phía Tây Bắc (vượng khí), hướng Đông (sinh khí), hướng Đông Nam và hướng chính Bắc (tài khí). Kỵ hướng chính Tây, hướng Đông Bắc và hướng Nam.

Nếu khí đến từ phương Tốn (Đông Nam) thì nên làm nhà hướng về phương Đông Nam (vượng khí), phương Tây Nam (sinh khí), phương Đông và phương Nam (tài khí). Kỵ hướng Tây Bắc, hướng chính Tây và Đông Bắc.

Nếu khí đến từ phương Ly (Nam) thì nên làm nhà hướng về phía Đông Bắc, phía chính Nam (sinh khí), phía Tây Nam (vượng khí), phía chính Đông (tài khí). Kỵ hướng chính Bắc, hướng Tây Bắc.

Nếu khí đến từ phương Khôn (Tây Nam) thì nên làm nhà hướng về phía Tây Nam (vượng khí), phía chính Đông (sinh khí), phía Đông Nam (tài khí). Kỵ phía Tây Bắc, phía chính Tây và phía Đông Bắc.

Nếu nhà khí đến từ phương Đoài (Tây) thì nên làm nhà hướng về phía Đông Nam (vượng khí), phía Tây Bắc và phía chính Nam (sinh khí), phía Tây Nam và phía chính Bắc (tài khí). Kỵ hướng chính Đông, chính Tây.

Nếu nhà có khí đến từ phương Càn (Tây Bắc) thì nên làm nhà hướng về phía Tây Bắc (vượng khí), phía chính Bắc, chính Tây (sinh khí), phía Tây Nam và phía chính Đông (tài khí). Kỵ hướng Đông Nam, hướng Đông Bắc.

Nói như thế này có người sẽ thắc mắc: liệu những hướng nhà được chọn nói trên có phải là hướng hợp với mệnh chủ nhà không? Nếu không thì giải quyết mối quan hệ này như thế nào?

Thực chất thì những hướng trên là những hướng phù hợp với địa khí của đất, không phải là hướng lấy theo mệnh chủ của chủ nhà. Vậy chúng ta phải giải quyết mối quan hệ giữa hướng hợp với hướng của địa khí và hợp với hướng của mệnh chủ này như thế nào?

Cũng không khó khăn gì trong việc giải quyết mối quan hệ này. ở đây lấy theo nguyên tắc chính phụ và tùy thuộc. Cụ thể như sau: khí của địa khí là chính, khí của mệnh chủ là phụ. Hướng hợp với hướng của mệnh chủ phải tùy thuộc với hướng hợp với hướng của Địa khí.

Tức là:

- Nếu hướng hợp với hướng của địa khí cũng đồng thời là hướng hợp với hướng của mệnh chủ, thế thì đương nhiên hai cái là một, không đặt ra vấn đề phải lựa chọn giữa hướng của Địa khí với hướng của mệnh chủ. Như thế khi ta chọn hướng phù hợp với cái này đồng thời là hướng phù hợp với cái kia. (Trường hợp này tốt nhất, đạt hiệu quả 100%).

- Nếu hướng của địa khí trái với hướng hợp của mệnh chủ thì lấy theo hướng của địa khí và dùng phép bố trí bếp (táo) để hóa giải hướng không hợp với hướng của mệnh chủ.

Ví dụ nhà có khí đến từ phương Cấn (Đông Bắc). Mệnh chủ sinh năm 1954 (Giáp Ngọ) - Khảm. Theo lý thuyết đã nêu trên thì nhà có khi đến từ phương Cấn có thể hướng về phía Đông Bắc (vượng), phía Tây Bắc (sinh) và hướng chính Tây (tài). Tuy nhiên ở đây mệnh chủ lại thuộc cung Khảm là Đông mệnh chỉ phù hợp với nhà Đông tứ trạch, không hợp với nhà Tây tứ trạch. Nên nếu nhà cho quay về hướng Đông Bắc thì phạm Ngũ quỷ, nếu quay về hướng Tây Bắc thì phạm Lục sát. Còn nếu cho nhà quay về hướng chính Tây thì lại phạm Họa hại. Vậy phải làm thế nào?

Đối với người có tri thức, hiểu biết thực sự về khoa Phong thủy học thì không có vấn đề gì. Chỉ việc căn cứ vào thực địa của thế đất và nhu cầu của chủ nhà mà chọn một trong ba hướng phù hợp với địa khí (đó là hướng Đông Bắc, hướng Tây Bắc và hướng chính Tây). Sau đó dùng phép đặt bếp để hoá giải sự bất hợp hướng đối với mệnh chủ.

Cụ thể :

- Nếu đặt nhà hướng Đông Bắc để lấy vượng khí tức mệnh chủ ra khi Ngũ quỷ thì đặt bếp quay về hướng Sinh khí, tức cho mặt bếp quay về hướng Tốn (Đông Nam), để lấy Sinh khí giáng Ngũ quỷ.

- Nếu đặt nhà hướng Tây Bắc để lấy Sinh khí thì mệnh chủ ra khí Lục sát. Nếu đặt nhà hướng chính Tây lấy tài khí thì mệnh chủ ta khí Họa hại. Trong hai trường hợp này chỉ cần đặt bếp tại một vị trí nào đó để cho mặt bếp hướng về phương chính Nam, tức là ra khí Diên niên để dùng khí này trấn áp hai hung khí là Lục sát và Họa hại. Như vậy thì không còn có gì phải e ngại nữa.

Tuy nhiên trong thực tế, nhiều người không biết phép tắc chọn hướng nhà nên đặt sai, nếu biết thì thật ra đa số các trường hợp có thể chọn được hướng nhà phù hợp cả với địa khí và nhân khí mà không cần phải dùng đến phép đặt bếp để chế hoá nữa.

***

Nguồn tài liệu lưu trữ

TRẠCH BẰNG (Tam Do) Phong Thủy Sư – Lương Y.

 

 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

XEM TỐT XẤU NGÀY GIỜ MẤT CỦA NGƯỜI THÂN

CÁCH TÍNH CAN CHI LỘC MÃ QUÝ NHÂN

CÁCH XƯNG HÔ VỚI NGƯỜI QUÁ CỐ