NHÂN TỐ XINH ĐẸP, TỐT LÀNH, BIẾN HÓA, TÌNH CẢM CỦA PHONG THỦY LÀNG MẠC
NHÂN
TỐ XINH ĐẸP, TỐT LÀNH, BIẾN HÓA, TÌNH CẢM CỦA PHONG THỦY LÀNG MẠC
*****
Phong Thủy
không chỉ tìm kiếm điều kiện môi trường tốt, mà còn tìm kiếm môi trường đẹp. “Đất
có tinh xảo kỳ lạ, có xấu xí tầm thường, tinh xảo là hình dáng huyệt đẹp và lạ
kỳ, còn tầm thường là hình dáng huyệt thô thiển, xấu xí" (Địa Học Giản
Minh). Hình dáng huyệt tuy xấu, nhưng đất tốt thì cũng có thể dùng được. Vì vậy,
môi trường đẹp mà Phong Thủy tìm kiếm trên thực tế là sự thống nhất giữa môi
trường tốt và môi trường đẹp. Môi trường đẹp mà Phong Thủy tìm kiếm có bốn tiêu
chuẩn sau:
Tiêu chuẩn
thứ nhất là đẹp.
Ấn tượng để lại
cho con người khi nhìn vào hình dáng bên ngoài là vẻ đẹp, không phải là xấu xí.
Ví dụ màu đất phải bóng mượt, cỏ cây phải tươi tốt, không bị gió thổi, lũ lụt.
Khi xây nhà cửa, nền đất phải ngay ngắn vuông vức, hình dáng bên ngoài của căn
nhà phải trang nghiêm, khí thế phải hào hùng, cảnh vật bố trí xung quanh phải gọn
gàng đẹp mắt, như vậy mới gọi là đẹp. Nếu độ cao thấp chênh lệch quá lớn, xiêu
vẹo nghiêng ngả, chỗ rộng chỗ hẹp thì không đẹp.
Tiêu chuẩn
thứ hai là lành.
Lành tức là đẹp,
dữ tức là xấu. Khí tốt thì hình dáng phải đẹp, đoan trang, hoàn hảo, khí hung
hiểm thì hình dáng thô thiển, xiêu vẹo, vụn nát (Địa Lý Trí Chỉ). Ví dụ các dạng
địa hình “thò đầu”, “chọc mặt”, “kéo váy" đều là đất dữ, đều là đất xấu,
còn địa hình “đai ngọc”, “bình phong”, “ngai vàng” đều là đất lành, cũng là đất
đẹp.
Nói về nước
thì có tám loại nước lành và tám loại nước dữ, cũng gọi là tám loại nước đẹp và
tám loại nước xấu. Tám loại nước đẹp là một là “quyền”, nước chảy đi
nhưng vẫn ngoảnh đầu lại nhìn; hai là “luyến”, dòng nước hội tụ như thể
trìu mến như không nỡ rời xa, ba là “hồi”, dòng nước quanh co uốn lượn;
bốn là “hoàn”, dòng nước bao bọc một cách hữu tình; năm là “giao”,
hai dòng nước giao hội; sáu là “tỏa”, dòng nước uốn lượn khép kín; bảy
là “chức”, các dòng nước như đan bện lại; tám là “kết”, nhiều
dòng nước hội tụ lại.
Tám loại nước
xấu là: một là “xuyên", dòng nước chảy xuyên qua trung tâm, phá hủy
Minh Đường; hai là “cắt”, dòng nước cắt sơn mạch, chân núi; ba là “khiên",
dòng nước từ Thiên tâm tuôn thẳng xuống chấn động đến Thổ Ngưu; bốn là “xạ”,
dòng nước nhỏ chảy thẳng đến như tên bắn; năm là “phản”, dòng nước có
hình dáng như cánh cung lật ngược, sáu là “trực", dòng nước đến đi
vô tình; bảy là “tà”, dòng nước đổ nghiêng chảy xiết; tám là “xung”,
dòng nước lớn lao thẳng đến.
Tiêu chuẩn
thứ ba là biến hóa.
Các loại nhân
tố tự nhiên phải có sự biến hóa mới đẹp, nếu không biến hóa sẽ không đẹp. Long
mạch phải uốn lượn linh hoạt, núi phải có hình thế nghênh đón, bốn phía hướng
vào vùng đất Phong Thủy. Nghênh đón không phải là sông lớn suối lớn bọc quanh,
mà ngay cả đô trấn, xóm nhỏ thuyền bè cũng có thể đi qua. Thái Dương Kinh nói rằng:
Châu, huyện, kinh kì đất phải bằng, thủy long, thủy vệ ấy là thành. Dương cơ tọa
lạc nơi cao ráo, chẳng phải khuất che ẩn náu mình.
Xét từ góc độ
mỹ học tự nhiên, môi trường có núi sông bao bọc này rất đẹp và có giá trị thẩm
mỹ rất cao. Khi đi du lịch, thưởng ngoạn, thậm chí sinh sống trong môi trường
này, chúng ta có thể thưởng thức được sự biến đổi kỳ diệu của cảnh sắc bốn mùa
của tư nhiên. Ví dụ như sự biến hóa muôn màu nhanh chóng của một áng phù vân
trong núi, hơi sương trong rừng, các hình thái khác nhau của núi khi quan sát ở
góc độ xa, gần, thẳng, nghiêng, trước, sau; sự biến đổi của cảnh quang núi rừng
vào buổi ban mai và chiều tà, vào lúc khi trời âm u và quang đãng; sự khác biệt
về vẻ đẹp kỳ lạ, thanh tú, mộc mạc, thuần hậu của các ngọn núi ở những vùng đất
khác nhau v.v. Nói về sông, vì sông lấy núi làm nền, do đó sông có núi mới đẹp.
Có núi mà không có sông thì hiu quạnh, có sông mà không có núi thì lẻ loi, đều
không đẹp. Chỉ có kết hợp khéo léo cảnh sắc núi sông. mới có thể hướng trái tim
con người về môi trường mỹ học Phong Thủy, giống như cảnh mộng ảo được Đào Uyên
Minh miêu tả trong chốn đào nguyên. Trên thực tế, môi trường tự nhiên xinh đẹp
có liên quan đến sự trưởng thành của nhân tài “Địa linh nhân kiệt”, “Anh kiệt tỏa
sáng như sao chiếu rọi", để ca ngợi cảnh vật hoa thiên bảo và nhân tài tụ
hội.
Học thuyết
Phong Thủy còn xem sự vật đặc thù là xinh đẹp, chẳng hạn như “một chấm đỏ trong
màu xanh trùng trùng điệp điệp” thì vô cùng xinh đẹp. Lấy núi làm ví dụ, núi nhỏ
nằm trong núi lớn, núi lớn nằm trong núi nhỏ, gò đất nhỏ nằm giữa mặt đất bằng
phẳng, mặt đất bằng phẳng nằm giữa nhiều gò đất nhỏ, đều rất đẹp. Nói về núi
sông, vùng nhiều núi có sông, nơi nhiều sông có núi cũng rất đẹp. Nói về địa
hình, nơi rộng lớn đột nhiên chật hẹp, nơi chặt hẹp bỗng nhiên rộng lớn cũng rất
thú vị. Câu nói “Sơn trung thủy phục nghi vô lộ, liễu ám hoa minh hựu nhất
thôn” (Trăm sông nghìn núi chừng không lối, liễu biếc hoa tươi lại một làng)
chính là miêu tả và khắc họa loại địa hình này. Vì thế người ta thường xây các
loại tháp đình ở Thủy Khẩu để tăng thêm vẻ đẹp của nó. Dựa theo quan điểm mỹ học
này, khi lựa chọn môi trường cư trú, lý luận Phong Thủy chủ trương “Nhiều cái lớn
thì lấy cái nhỏ, nhiều cái nhỏ thì lấy cái lớn. Nhiều cái cao thì lấy cái thấp,
nhiều cái thấp thì lấy cái cao. Trong cái bằng phẳng thì lấy cái nhô lên, trong
cái nhô lên thì lấy cái bằng phẳng. Trong cái tròn thì lấy cái nhọn, trong cái
nhọn thì lấy cái tròn. Chỗ nhiều núi thì cần sông, chỗ nhiều sông thì cần núi.
Chỗ trải rộng ra thì cần thắt lại, chỗ thắt lại thì cần trải rộng ra. Chỗ cứng
thì lấy mềm, chỗ mềm thì lấy cứng. Đến không nên quá gần, đi phải ngoái đầu lại.
Núi vốn tĩnh, thế núi phải động; nước vốn động, sự linh diệu ở trong tĩnh” (Địa
Học Giản Minh). Núi vốn tĩnh, cần phải động, động thì khí mới vận hành không ngừng
ở bên trong. Nước vốn động, cần phải tĩnh, tĩnh thì khí mới tích tụ ở bên trong
mà không phát tán ra (Thanh Ô Kinh).
Tiêu chuẩn
thứ tư là tình.
Nói đến Phong
Thủy thì không thể không đề cập đến yếu tố sông núi hữu tình, nếu núi vô tình,
sông vô ý thì sẽ mất đi mục đích cốt lõi của địa lý (Đô Thiên Bảo Chiếu Kinh).
Cảnh vật xung quanh phải nhìn nhau hữu tình, ví dụ Án Sơn ở gần thì phải thấp, ở
xa thì phải cao. Dòng nước chảy đến phải uốn lượn. chảy đi phải quanh co, dòng
nước bao bọc huyệt thành hình vòng cung. uốn quanh một cách hữu tình. Minh Đường
bên trong không được quá rộng, vì quá rộng sẽ tựa như trống trải, mà trống trải
thì không thể tàng phong, nhưng Minh Đường cũng không thể quá hẹp, vì quá hẹp
thì khí tích tụ ít, khí tích tụ ít thì huyệt sẽ không hiển quý. Tóm lại phải bố
trí hợp tình hợp lý, phải vừa phải (Nang Kim). Phong Thủy đòi hỏi mọi yếu tố của
môi trường đều phải hữu tình, sông ôm ấp núi, núi bao bọc sông. Muốn đạt được
yêu cầu này thì phải đáp ứng được mười điều sau: một là hình thể Ngũ tinh phải
rõ ràng; hai là nơi tọa lạc phải tập trung khí dồi dào; ba là phía trước có Minh
Đường rộng; bốn là Huyền Vũ phải đối ứng rõ ràng; năm là động tĩnh phối hợp nhịp
nhàng; sáu là các con sông phải hội tụ phía trước; bảy là Thanh Long, Bạch Hổ
cao thấp tương ứng, tám là trước sau phải có Án Sơn và Chủ Sơn tương thân tương
ái; chín là phải đón nhận chính xác; mười là cửa ngõ làng mạc phải khép kín (Địa
Lý Khảo Sách).
Có một bài ca
dao Phong Thủy đáng để chúng ta thưởng thức và phân tích:
“Nhà ở phải ngắm chọn địa hình,
Tựa núi hướng sông mới thỏa lòng.
Núi có Lai long cao xinh đẹp,
Sông cần uốn lượn bao bọc quanh.
Minh Đường rộng lớn ắt nhiều phúc,
Thủy Khẩu ẩn tàng tích vạn kim.
Quan, Sát hai phương không chướng ngại,
Quang minh chính đại vượng môn đình."
Trên đây chỉ là mô hình lý tưởng của nhà ở miền núi, còn ở vùng đồng bằng hiển nhiên không có núi để tựa, do đó chỉ có thể xem sông là Long mạch. Vì vậy, Địa Lý Ngũ Quyết đã nói rõ về vùng đồng bằng tương ứng như sau: “Miền núi thuộc Âm, đồng bằng thuộc Dương, nhô cao là Âm, bằng phẳng là Dương; Âm Dương phân chia, cách xem xét cũng khác nhau: ở miền núi phải tọa lạc ở nơi vững chắc và hướng về nơi trống trải, ở đồng bằng phải tọa lạc ở nơi trống trải và hướng về nơi đông đúc, ở miền núi lấy núi làm chủ thể, phía sau huyệt phải cao, ở đồng bằng lấy sàng làm chủ thể, phía sau huyệt phải thấp”.
“Đất đồng bằng
Dương thịnh Âm suy, chỉ cần sông ở xung quanh cùng chảy về một nơi, xem sông là
Long mạch, lấy sông làm bảo vệ. Đến đồng bằng chớ hỏi Long, sông nước lượn
quanh là dấu tích thật.”
***
Bài tài liệu lưu trữ.
TRẠCH BẰNG (Tam Do) Phong Thủy Sư – Lương Y
Nhận xét
Đăng nhận xét